Vẫn đau đầu bài toán phát hành phim Việt

Minh Trang-Thứ ba, ngày 22/10/2013 12:51 GMT+7

 Phát hành là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của một nền Điện ảnh. Tuy nhiên, vấn đề phát hành phim ở Việt Nam hiện nay vẫn đang khiến các nhà quản lý, nhà sản xuất và những người làm Điện ảnh phải trăn trở.

Số lượng các rạp chiếu phim ở nước ta còn khiêm tốn, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn nhưng lại xuống cấp nhiều. Bên cạnh đó, việc xây dựng rạp chiếu ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài càng tạo nên sự chênh lệch lớn về quy mô và chất lượng các rạp chiếu. Phim Việt chịu nhiều thiệt thòi, gặp sự cạnh tranh lớn của các phim ngoại nhập… Vấn đề này lại một lần nữa được đề cập đến tại hội thảo “Phát triển hợp tác sản xuất và phát hành phim” diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 vừa diễn ra những ngày đầu tháng 10/2013.

‘ Hình ảnh trong phim Mỹ nhân kế.(Ảnh: Internet)

Vấn đề sản xuất và phát hành phim của Điện ảnh Việt Nam đã nhiều lần được đưa ra, tuy nhiên vẫn luẩn quẩn trong các cuộc bàn thảo mà chưa có hướng giải quyết hiệu quả. Phim Việt đang tăng nhanh về số lượng nhưng hệ thống phát hành nhà nước lại hạn chế, thị trường chiếu phim gần như thuộc về các công ty phát hành và kinh doanh rạp chiếu nước ngoài. Phim ngoại tràn ngập với lượng phim ra rạp mỗi năm gấp cả chục lần phim nội khiến phim Việt ngày càng khó khăn để tiếp cận với chính khán giả trong nước. 70% khán giả tới rạp để xem phim ngoại.

Ông Lưu Phước Sang, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư Giải trí Phước Sang cho biết: “Nước ta trên cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa thì Nhà nước cũng cần có hệ thống rạp để hỗ trợ cho các nhà sản xuất phim. Hiện nay, trên cả nước hệ thống rạp chiếu phim nhà nước ngoài Rạp chiếu phim Quốc gia nằm ở Hà Nội, còn ở TP.HCM thì bỏ trống. Tất cả các trung tâm chiếu phim đều của nước ngoài, do đó công tác phát hành phim thực sự rất khó khăn. Tôi nghĩ, nếu chúng ta không có một chính sách, một chiến lược cụ thể thì chỉ một thời gian nữa, phim Việt Nam sẽ mất dần thị phần so với phim nước ngoài”.

Theo số liệu tờ Hollywood Reporter đưa ra năm 2012, doanh thu rạp chiếu của Việt Nam là 42 triệu USD và dự tính năm 2013 sẽ lên tới 57 triệu USD. Dự báo tới 2016 sẽ vượt 100 triệu USD. Đây là một trong những thị trường tăng trưởng nóng bậc nhất khu vực. Tuy nhiên, phần lớn rơi vào các tập đoàn nước ngoài đang sở hữu các hệ thống rạp lớn nhất với lượng phim ngoại nhập chiếm tới 80%. Bên cạnh đó, chất lượng phim Việt cũng chưa đáp ứng được nhu cầu khán giả.

Ông Jeong Tae Son, Giám đốc công ty Điện ảnh, Tập đoàn CJ E&M Hàn Quốc cho biết: “Điện ảnh Việt Nam đang rất giống với Hàn Quốc 30 năm về trước. Trong số 150 phim chiếu rạp mỗi năm chỉ có chưa đến 20 phim trong nước sản xuất là một tỷ lệ rất nhỏ. Chất lượng phim vẫn còn thấp. Khi tìm hiểu, tôi thấy khán giả Việt Nam ban đầu rất hào hứng đi xem phim Việt, nhưng chính họ lại cảm thấy thất vọng. Một vài lần như thế là họ lại lựa chọn các bộ phim nước ngoài”.

Nước ta có tới hơn 200 doanh nghiệp sản xuất phim ra đời nhưng chỉ có số ít làm phim, các hãng cũng không có kế hoạch, không liên kết với nhau mà chỉ tính cốt sao làm phim để thu hồi vốn. Chính việc đề cao lợi nhuận đã làm cho phim Việt đi xuống, trong khi khán giả Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận bất kỳ một bộ phim nổi tiếng nào trên thế giới.

Trong thời điểm này, nhà sản xuất trong nước cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau nhằm nâng cao chất lượng phim, đồng thời đưa ra những chính sách hợp lý nhằm phát triển hệ thống rạp chiếu trong nước. Một thông tin được đưa ra tại hội thảo là từ nay đến năm 2020, Việt Nam dự kiến sẽ tu bổ và xây mới 106 rạp chiếu cùng 2 Trung tâm chiếu phim trên toàn quốc.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video chương trình Câu chuyện văn hóa, để tìm hiểu thêm những vấn đề xoay quanh điện ảnh Việt.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước