6 lầm tưởng kinh điển về tính hướng nội

H.T (Theo Huffingtonpost)-Thứ sáu, ngày 02/08/2013 17:56 GMT+7

Mặc dù chiếm một số lượng không nhỏ, khoảng 1/3 dân số nói chung nhưng hướng nội lại là một trong những đặc điểm tính cách thường xuyên bị hiểu lầm nhất.

1. Tất cả đều nhút nhát và ngược lại


Nhút nhát thường bị nhầm lẫn với hướng nội và vô hình chung hai từ này được hiểu theo nghĩa tương đương nhau. Nhưng tác giả, chuyên gia tư vấn nổi tiếng Susan Cain người Mỹ đã chỉ ra rằng Bill Gates cũng là người hướng nội nhưng không hề nhút nhát. Ông thích yên tĩnh, ham đọc sách và không bị làm phiền bởi những gì người khác nghĩ về mình. Theo Sophia Dembling – tác giả của cuốn sách nổi tiếng The Introvert's Way: Living a Quiet Life in a Noisy World cùng một nhà thần kinh học chuyên nghiên cứu về sự nhút nhát mà bà từng tiếp xúc thì hai định nghĩa này hoàn toàn chẳng có gì giống nhau. Hướng nội là sự tái tạo và gia tăng năng lượng trong thời gian được yên tĩnh một mình. Còn nhút nhát là một hành vi sợ hãi trong một tình huống giao tiếp xã hội.

2. Không thích nhiều người xung quanh mình


Có rất nhiều những cái nhìn tiêu cực đối với người hướng nội như lo lắng cho họ, không thích, hoặc phán xét….. Nhưng đơn giản chỉ là họ có cách thức tương tác với xã hội hoàn toàn khác. Người hướng nội cần và thích thú là được tận hưởng “sự cô đơn” nhiều hơn người hướng ngoại. Điều này không nên nhầm lẫn với sự chán ghét, chống đối xã hội hay không thiện chí kết bạn. Những điều tính cách hướng nội làm cũng như phần lớn số đông còn lại đó là duy trì những mối liên kết. Có khác là do họ xem trọng chất lượng hơn số lượng. Họ tập trung vào một vòng tròn nhỏ của những mối quan hệ thân thiết nhưng đồng thời cũng duy trì một mạng lưới rộng lớn những sự quen biết khác.

3. Không thể trở thành những nhà lãnh đạo tốt hay diễn giả giỏi

Bill Gates, Abraham Lincoln, Gandhi cùng nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng khác trong lịch sử cũng là người hướng nội. Cũng theo khảo sát của USA Today, 4 trong số 10 giám đốc điều hành hàng đầu đều có tính hướng nội. Về công việc diễn giả hay phát biểu trước đám đông thì những cá nhân hướng nội hoàn toàn thừa khả năng vượt mặt phe hướng ngoại. Lý giải về điều này theo Dembling là do họ tập trung vào việc chuẩn bị và suy nghĩ kỹ trước khi nói nên có thể thực hiện công việc này một cách hoàn hảo.

4. Có nhiều tính cách tiêu cực kèm theo

Do sở thích muốn ở một mình nên tính cách hướng nội thường bị đánh đồng với trầm cảm. Quan niệm sai lầm này xuất phát từ việc những người hướng ngoại tìm thấy được niềm vui cũng như động lực từ những sự tương tác xã hội. Do đó việc ở “một mình” trong một thời gian làm họ cảm thấy buồn chán nên sẽ dẫn đến tình trạng “suy bụng ta ra bụng người” đối với phe hướng nội. Thực chất những người hường nội tách bạch rõ sự tĩnh mịch với sự cô độc. Chỉ là họ thích dành thời gian để suy nghĩ và phân tích.

5. Hướng nội thường thông minh và sáng tạo hơn hướng ngoại

Có rất nhiều nghệ sĩ và nhà tư tưởng nổi tiếng thế giới là người có phong cách điềm tĩnh như: Albert Einstein, Marcel Proust, Charles Darwin…..Người hướng nội được nhận xét là: thông minh hơn, độc lập hơn, tinh tế hơn, nhạy cảm hơn….(theo bài viết Caring For Your Introvert của nhà báo nổi tiếng kiêm tác giả Jonathan Rauch) nhưng thật sự không phải là họ bẩm sinh sở hữu được những ưu điểm này. Tất nhiên phe hướng ngoại luôn được đánh giá là cực kỳ thông minh và sáng tạo do họ có cơ hội bộc lộ rõ ràng nhiều ý tưởng hay với mọi người. Nhưng theo Dembling, nếu thiếu một trong hai tính cách trên thì công việc khó mà hoàn thành. Kiểu như một người vạch ra kế hoạch hoàn chỉnh còn một người biết cách áp dụng nó.

6. Có thể dễ dàng kết luận một người là hướng nội hay hướng ngoại

Người hướng nội hoàn toàn có thể đến một buổi tiệc và bắt chuyện với hầu hết mọi người mà vẫn cảm thấy thoải mái. Nhưng khi trở về nhà họ lại chỉ muốn nằm trên giường đọc sách và nhâm nhi một tách trà như một cách tái tạo năng lượng. Do cái nhìn “thiên vị” của xã hội với tính cách hướng ngoại nên nhiều người hướng nội buộc phải quen với việc “gồng” mình cư xử như một người hướng ngoại trong tương tác xã hội hàng ngày tuy thật sự trong lòng họ có thể cảm thấy không thoải mái. Cuối cùng, theo Dembling, họ “nhập vai” người hướng ngoại rất xuất sắc nhưng luôn cần thời gian yên tĩnh để quân bình lại. Người hướng nội hành xử cũng giống như tất cả những người khác và thích giao tiếp xã hội. Chỉ khác là họ thể hiện theo cách khác với những người hướng ngoại.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI