Cảnh báo nhiễm khuẩn bệnh viện

Kim Xuân -Thứ ba, ngày 31/08/2010 11:10 GMT+7

Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện từ 4% - 7,8%, công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh việc thiếu nhân lực, tài lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thì ý thức cộng đồng cũng tác động không nhỏ đến việc kiểm soát nhiễm khuẩn. Để giảm bớt nhiễm trùng bệnh viện, Bộ Y tế đã có thông tư về công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, yêu cầu các bệnh viện tập trung phòng ngừa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự giám sát tích cực khiến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn tràn lan, ước tính hàng năm vẫn còn gần 700.000 bệnh nhân nhiễm trùng vết mổ.

Hiện tỷ lệ nhiễm khuẩn tại Khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện Bạch Mai từ 20 đến 25% và đã có rất nhiều bệnh nhân tử vong do bị lây những bệnh khác. Mặc dù, mỗi giường bệnh tại khoa một ngày chi khoảng 50.000 đồng cho công tác chống nhiễm khuẩn bao gồm hoá chất khử khuẩn, găng tay...

Các nghiên cứu cho thấy trong môi trường bệnh viện, việc rửa tay đúng kỹ thuật sẽ giúp loại trừ tối đa vi khuẩn và giảm 50% số ca nhiễm khuẩn tại bệnh viện, tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn cũng giảm một nửa.

Tỷ lệ bác sĩ, y tá và điều dưỡng tại khoa điều trị tích cực rửa tay trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân đạt khoảng 60%, trong đó lại có những người chưa rửa tay đúng kỹ thuật. Tỷ lệ này tại các bệnh viện tuyến huyện chỉ đạt khoảng 20%.

WHO khuyến cáo chỉ một động tác rửa tay sạch đã giúp làm giảm đến 35% khả năng lây truyền vi khuẩn Shigella gây tiêu chảy và làm giảm 19 - 45% nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp. Với vai trò phòng bệnh quan trọng như thế, rửa tay sạch được xem là liều "vaccine” tự chế có hiệu quả cao, giúp cứu sống hàng triệu người.

Dù Bộ Y tế đã có văn bản, thông tư liên quan đến việc phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, nhưng với thực tế hiện nay các trang thiết bị sử dụng cho bệnh nhân theo chuẩn của quốc tế chỉ dùng một lần nhưng kinh phí hạn hẹp, thường các bệnh viện phải sấy, hấp, diệt khuẩn dùng đến khi hỏng mới thôi. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng lây chéo trong bệnh viện hay nói cách khác là lây lan vi khuẩn kháng thuốc và tạo ra những vi khuẩn kháng thuốc mới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước