Đề án Phát triển trẻ thơ toàn diện: Đầu tư có hiệu quả nhất cho sự phát triển lâu dài của mọi quốc gia

PV-Thứ năm, ngày 01/06/2017 12:21 GMT+7

VTV.vn - Chiến lược phát triển trẻ thơ toàn diện hướng tới một mục tiêu quan trọng là xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao trong tương lai cho Việt Nam.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) nhiệm vụ xây dựng Đề án phát triển trẻ thơ toàn diện. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ chu trì phối hợp với các bộ ngành triển khai đề án, hướng dẫn triển khai, điều phối triển khai, giám sát thực hiện đề án, hàng năm báo cáo chính phủ… Hiện tại, cơ quan này cũng đang phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) triển khai xây dựng Đề án.

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới thì vấn đề phát triển trẻ thơ toàn diện đã và đang được triển khai, tuy nhiên đối với Việt Nam đây còn là một khái niệm rất mới. VTV News đã có cuộc trò chuyện cùng bà Lê Anh Lan – Cán bộ UNICEF Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về Đề án phát triển trẻ thơ toàn diện đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai chính sách phát triển trẻ thơ toàn diện, vậy tại sao tới thời điểm này, Việt Nam mới bắt đầu xây dựng Đề án về lĩnh vực này?

Bà Lê Anh Lan: Trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nói tới bối cảnh hiện tại khi xây dựng Đề án phát triển trẻ thơ toàn diện. Đầu tiên, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 của Quốc hội có hiệu lực từ 1/6. Trong bộ luật này đã ghi nhận đầy đủ, toàn diện quyền con người, quyền công dân, phù hợp với tinh thần và nội dung Hiến pháp 2013, quy định cụ thể việc Phát triển toàn diện của trẻ em " là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em".

Bên cạnh đó, tháng 6 cũng là Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề "Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em" nhằm tiếp tục phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và phát triển toàn diện.

Đề án phát triển trẻ thơ toàn diện là một phần trong việc thực hiện Luật trẻ em cũng như những Công ước mà chính phủ Việt Nam đã ký kết với Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Nó cũng trùng hợp với mục tiêu của UNICEF trong chu kỳ hoạt động hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2017 – 2021. Là một trong ba mảng ưu tiên trong hợp tác với Chính phủ liên quan tới vấn đề phát triển trẻ thơ toàn diện nên bản thân Đề án này phù hợp với mục tiêu, định hướng của UNICEF trong tương lai.

Ngoài ra, những nghiên cứu gần đây về trẻ em cũng khẳng định, đầu tư cho trẻ em ngay từ giai đoạn đầu đời từ 0 – 3 tuổi sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong tương lai, không chỉ ở sự phát triển của não bộ mà đó còn là phát triển toàn diện.

Phát triển trẻ thơ toàn diện còn liên quan tới vấn đề xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, cả về kỹ năng cứng và kỹ năng mềm – những kỹ năng quan trọng để có nguồn nhân lực cho Việt Nam theo mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030. Từ giờ tới mốc thời gian đó, đòi hỏi chính sách phát triển trẻ em từ 0 – 8 tuổi phải thay đổi toàn diện. Nếu có sự đầu tư tốt và phát triển toàn diện cho trẻ thơ thì mới đảm bảo sau này Việt Nam có nguồn nhân lực tốt, hội nhập được với thế giới.

Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ LĐTB&XH phải nộp Đề án trình lên Thủ tướng vào tháng 11. Ban soạn thảo Đề án có đại diện của các bộ, ban, ngành và tổ chức có liên quan để đảm bảo sự kết nối giữa các bên khi thực hiện Đề án này. Đề án cũng có kết nối với địa phương.

Đề án Phát triển trẻ thơ toàn diện: Đầu tư có hiệu quả nhất cho sự phát triển lâu dài của mọi quốc gia - Ảnh 1.

Bà Lê Anh Lan – Cán bộ UNICEF Việt Nam

Đề án phát triển trẻ thơ toàn diện hướng tới những mục tiêu gì?

Bà Lê Anh Lan: Mục tiêu của Đề án là huy động sự vào cuộc, phối kết hợp giữa các ban, ngành khác nhau từ trung ương đến địa phương để giúp phát triển các dịch vụ cho trẻ em. Điều đặc biệt nhất là Đề án này hướng tới đối tượng trẻ em từ 0 - 8 tuổi tại Việt Nam.

Trước đây, chúng ta tính giai đoạn đầu đời của trẻ từ 0 -3 tuổi nhưng hiện quan niệm này đã thay đổi thành đối tượng trẻ từ 0 - 8 tuổi. Toàn bộ đối tượng này tại Việt Nam là đối tượng của Đề án và tập trung ưu tiên cho các em chịu thiệt thòi, các em dân tộc, khuyết tật... Đề án này chia ra gói dịch vụ tối thiểu, chia theo vòng đời của trẻ.

Mục tiêu cụ thể của Đề án gồm 90% trẻ em 0-8 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng được đánh giá nhu cầu và hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc toàn diện như sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, tâm lý, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ khỏi xâm hại bạo lực, vui chơi, phúc lợi xã hội; 90% các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ các ngành, các cấp, cộng tác viên, cha mẹ người chăm sóc trẻ em và người dân tại cộng đồng được nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về chăm sóc toàn diện trẻ em; 90 % cán bộ các cơ sở giáo dục, cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở điều trị được tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng chăm sóc toàn diện trẻ em; 70% các cha mẹ, người chăm sóc trẻ được tập huấn về kiến thức, kỹ năng về chăm sóc toàn diện trẻ em; 100% Các địa phương thí điểm mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc toàn diện trẻ em những năm đầu đời; các mô hình tư vấn, mô hình hỗ trợ chăm sóc toàn diện trẻ em tại cộng đồng.

Trên thực tế từ trước đến nay, các ngành như y tế, giáo dục... đều khẳng định mình đang làm hoạt động liên quan tới phát triển trẻ thơ toàn diện và có kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này. Nhưng mỗi ngành lại đang hoạt động độc lập, chưa có cơ chế phối hợp với nhau để đảm bảo nguồn lực dành cho trẻ. Cuối cùng, trách nhiệm lại thuộc về Nhà nước. Vì vậy, một trong những mục tiêu của Đề án còn là cải thiện sự phối hợp giữa các ngành với nhau trong việc phát triển cho trẻ em toàn diện.

Thực tế, khái niệm phát triển trẻ thơ toàn diện ở Việt Nam còn khá mới, vậy các nhà hoạch định chính sách, xây dựng Đề án có thể giúp khái niệm này phổ biến hơn trong cộng đồng?

Bà Lê Anh Lan: Qua khảo sát, nhiều người cũng phản hồi với chúng tôi rằng khái niệm phát triển trẻ thơ toàn diện là mới nhưng thực ra, nó không mới. Chẳng hạn như với UNICEF, những mô hình phát triển trẻ thơ toàn diện đã được triển khai và thực hiện ở địa phương từ những ngày đầu tổ chức này hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Đề án lần này cũng chứa đựng nhiều điểm mới khi nhắc tới khái niệm phát triển trẻ thơ toàn diện. Điểm mới đầu tiên là so với trước đây, các nhà hoạch định chính sách hiện đã có thay đổi suy nghĩ về sự phối hợp liên ngành. Thứ hai là trước đây chúng ta không có bằng chứng khoa học về sự phát triển não bộ của trẻ như bây giờ. Điểm mới thứ 3 là hiện các nhà nghiên cứu đã khẳng định được sự chênh lệch giữa hiệu suất đầu tư vào lĩnh vực này so với lợi nhuận mà nó mang lại.

Trên thực tế, trong đề án này có một hợp phần rất lớn về mặt truyền thông gồm nhiều phần như truyền thông về thay đổi hành vi, truyền thông đại chúng, truyền thông với các nhà hoạch định chính sách... theo nhiều bước, nhằm giúp đưa khái niệm phát triển trẻ thơ toàn diện tới cộng đồng.

Trong đó, điều chúng tôi quan tâm tới là cả hai bên gồm bên cung cấp dịch vụ là các nhà quản lý giáo dục, bác sĩ... và bên nhận dịch vụ chính là gia đình, trẻ em... Chúng tôi truyền thông cho cả hai bên. Về phía những nhà cung cấp dịch vụ, họ phải đảm bảo chất lượng của dịch vụ, đồng thời tiếp cận được tới những đối tượng cần dịch vụ đó. Song song đó, chúng tôi cũng làm truyền thông để nâng cao nhận thức của những người dùng dịch vụ, họ phải biết quyền và nghĩa vụ của mình là gì.

Đề án Phát triển trẻ thơ toàn diện: Đầu tư có hiệu quả nhất cho sự phát triển lâu dài của mọi quốc gia - Ảnh 2.

Theo bà, Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn nào khi triển khai Đề án?

Bà Lê Anh Lan: Khó khăn đầu tiên chính là thay đổi nhận thức của những người đang làm hoạch định chính sách này, bởi khi xây dựng đề án, ngay cả nhiều người trong ban soạn thảo cũng không hiểu tại sao phải gọi là phát triển trẻ thơ toàn diện vì mỗi ngành đều đang có kế hoạch hành động của ngành liên quan tới trẻ em. Chúng tôi cũng mất nhiều thời gian để giải thích cho họ.

Thứ hai là thay đổi nhận thức và cam kết những nhà quản lý dịch vụ ở Việt Nam. Chúng ta thường nói nâng cao quan trí thì khó khăn hơn nâng cao dân trí, với những người cung cấp dịch vụ, việc thay đổi suy nghĩ, cam kết của họ - điều vốn từ trước tới giờ đã gắn sâu - là vô cùng khó.

Khó khăn thứ 3 là chuyện kinh phí. Khi xây dựng đề án này, câu hỏi đặt ra là Việt Nam lấy đâu ra kinh phí để triển khai Đề án và không để xảy ra chuyện đề án chỉ có trên giấy? Theo đó, UNICEF đã đề nghị Bộ LĐTB&XH khi xây dựng đề án thì nên đi theo lộ trình, không tham vọng.

Chính phủ cũng đã nhìn nhận ra vấn đề là nếu chỉ giao cho một Bộ ngang cấp với các bộ khác trong việc điều phối thì sẽ khó xử lý công việc. Vì vậy, trong thời gian tới Chính phủ sẽ thành lập Ủy ban điều phối quốc gia về vấn đề trẻ em do một Phó Thủ tướng đứng đầu. Việc đó sẽ giúp huy động nguồn lực giữa các bộ, ngành dễ hơn. Bộ LĐTB&XH chỉ đóng vai trò đầu mối.

Trong khi đó, UNICEF đang thực hiện những việc liên qua tới vận động chính sách. Cách UNICEF làm là kết hợp với các cơ quan, tổ chức phi chính phủ để chia sẻ khái niệm phát triển trẻ thơ toàn diện, sau đó lập bản đồ hóa để gửi Chính phủ nhằm chủ động liên hệ, vận động nguồn lực hỗ trợ Chính phủ trong hoạt động này.

Thực tế, các tổ chức phi chính phủ thường làm việc ở địa phương và không có vị thế để làm việc với Trung ương giống như UNICEF, trong khi UNICEF lại không có thế mạnh làm việc ở địa phương nhiều nữa vì nguồn lực có hạn. Chính vì vậy, sự phối hợp giữa UN và các tổ chức phi chính phủ là sự kết hợp có lợi, người hưởng lợi ở đây là Chính phủ và người dân.

Ngoài ra, UNICEF còn hỗ trợ gì cho Việt Nam trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em?

Bà Lê Anh Lan: Hiện tại, chúng ta đã xây dựng được khung Đề án. Sau đây, Bộ LĐTB&XH sẽ gửi các bộ, ngành để lấy ý kiến góp ý. Dự kiến một hội thảo cấp Chính phủ đề chia sẻ Đề án này sẽ được tổ chức vào tháng 8.

UNICEF cũng hỗ trợ tư vấn và mời một số chuyên gia để chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện chính sách phát triển trẻ thơ toàn diện của một số nước trên thế giới như Nam Phi, Trung Quốc... Sau tháng 8, chúng ta sẽ tiếp tục chỉnh sửa Đề án.

Đặc biệt, ngoài vai trò tư vấn và làm cầu nối, UNICEF cũng có hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương. Cụ thể, UNICEF sẽ triển khai về phát triển trẻ thơ toàn diện tại 3 tỉnh Điện Biên, Kon Tum và Gia Lai. Sự đầu tư cho 3 địa phương này trong 5 năm tới cũng khá lớn bởi UNICEF cũng muốn có những đánh giá độc lập về tác động của việc phát triển trẻ thơ toàn diện tại các địa phương. Hiện UNICEF đang làm kế hoạch với các địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch chi tiết này đòi hỏi sự vào cuộc của chính các địa phương. Sau đó, chúng tôi sẽ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tiến tới trình Chính phủ để phê duyệt.

Phía UNICEF có nhiều kế hoạch hỗ trợ cho trẻ em, Đề án lần này chỉ là một phần trong những kế hoạch UNICEF triển khai.

Xin cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện này!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước