Gánh nặng xã hội từ viêm gan siêu vi C

Tôn Hiền-Chủ nhật, ngày 31/07/2011 08:00 GMT+7

Hiện nay, viêm gan siêu vi C (HCV) là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây viêm gan mạn tính. Nhiều chuyên gia của ngành y tế nhìn nhận, HCV là một trong những bệnh “tưởng chừng như không sao, nhưng để lại hậu quả ghê gớm”, bởi sự chủ quan của bệnh nhân và mức độ phức tạp trong điều trị.

Ảnh minh hoạ
Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đến tháng 3/2011, đã có hơn 170 triệu người trên thế giới mang mầm bệnh viêm gan siêu vi C. Còn tại Việt Nam theo Hội gan mật TP.HCM thì khoảng trên 5% dân số (tương đương 4,5 triệu người) đang mang siêu vi C trong cơ thể. Trong đó, khoảng 20% bệnh nhân viêm gan siêu vi C mạn tính sẽ tiến triển sang xơ gan và khoảng 4% người xơ gan tiến triển sang ung thư gan. Số người được phát hiện viêm gan siêu vi C, trước đây khoảng 15-20 người/ngày, thì nay tăng lên gần gấp đôi. Điều này cho thấy việc tầm soát còn yếu và đặc biệt là chưa có vaccine phòng ngừa, khiến tỷ lệ bệnh nhân nhiễm bệnh càng cao.
GS. BS. Phạm Hoàng Phiệt - Chủ tịch hội gan mật TP. HCM, Giám đốc Trung tâm Gan mật SG cho biết: “Số người bệnh phát hiện được rất thấp, lý do là vì sự hiểu biết vẫn còn hạn chế trong việc phát hiện và chữa bệnh. Vì bệnh nhân trước khi có những biến chứng nặng hầu như là bình thường, cho nên người ta gọi là bệnh “Giết người thầm lặng". Một số bệnh nhân được phát hiện nhưng vì rào cản về kinh tế không cho phép họ tiếp cận được với những phương pháp chữa hiện đại vì tương đối tốn kém. Cho nên nếu có những sự hỗ trợ trong việc phát hiện và ở một mức độ nào đấy trong khám chữa bệnh, thì chắc chắn số người được khám chữa bệnh sẽ cao hơn”.
Viêm gan siêu vi C là bệnh mạn tính, điều trị phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém và có nhiều yếu tố tác động dẫn đến tỷ lệ điều trị thành công khác nhau. Thêm vào đó, chi phí điều trị cao cũng là một khó khăn khiến bệnh nhân mất kiên nhẫn trong việc chữa bệnh. Với phác đồ điều trị theo khuyến cáo của Hội gan mật châu Âu thì hiện nay, người bệnh tại Việt Nam phải tốn kém trung bình từ 60 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng để điều trị. Trong khi đối với các nước như Nhật, Úc, với sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế, các bác sĩ và bệnh nhân có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn và tiếp cận các thuốc phù hợp nhất với bệnh lý của mình.
Bệnh viêm gan siêu vi C ngoài thời gian điều trị khá dài và chi phí điều trị cao còn được xem là gánh nặng của toàn xã hội vì khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Mong muốn lớn nhất của họ là có thể tiếp cận phác đồ điều trị tối ưu cho mình với giá thành hợp lý hơn. Thông tin từ Bộ Y tế từ tháng 6, các công ty dược đã điều chỉnh giảm giá nhập khẩu thuốc dùng trong điều trị viêm gan C mạn tính tại Việt Nam. Do vậy giá thuốc nhập khẩu giảm được 24%.
Ông Thân Trọng Sơn - Giám đốc Y khoa, văn phòng Đại diện MSD tại Việt Nam: “Việc giảm giá thuốc sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được tiếp cận với điều trị viêm gan siêu vi C. Bệnh nhân được điều trị sớm hơn, sẽ có điều kiện cho thầy thuốc và bệnh nhân khả năng tuân thủ điều trị và theo đuổi được điều trị trong thời gian lâu dài, điều này giúp cho bác sĩ theo dõi và quản lý bệnh tốt hơn. Bệnh nhân có cơ hội đáp ứng điều trị thành công cao hơn và như vậy sẽ mạng lại chất lượng cuộc sống cũng như hạnh phúc cho người bệnh”.
Trong tổng chi phí của bệnh viện thì tỷ trọng chi cho tiền thuốc chiếm từ 60% - 70%, trong khi tỷ trọng lý tưởng chỉ là 20% - 30%. Riêng với viêm gan siêu vi C, mức chi phí điều trị lên đến 200 triệu đồng quả là con số đau đầu với những người bệnh. Vì vậy, việc giảm giá thuốc điều trị viêm gan siêu vi C sẽ giúp bệnh nhân trong công tác điều trị triệt để, đồng thời hạn chế sự lây lan ra cộng đồng, góp phần giảm gánh nặng cho ngành y tế và cho xã hội.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước