Hà Nội - Chứng nhân lịch sử của dân tộc

Minh Đức-Thứ hai, ngày 10/10/2016 00:00 GMT+7

VTV.vn - Những di tích lịch sử chính là những dấu ấn, nhân chứng trong quá trình phát triển thăng trầm của Thăng Long xưa - Hà Nội nay.

Thăng Long - Hà Nội, vùng đất có bề dày lịch sử 1000 năm là nơi kết tinh, hội tụ tinh hoa văn hóa của Việt Nam. Cố GS. Trần Quốc Vượng đã từng nói rằng vùng đất Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay là "Thủ đô thiên nhiên" ở đồng bằng Bắc Bộ với hệ thống các dãy núi và các con sông chầu về. Nơi đây chính là một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam.

Cách đây hơn 1000 năm, kể từ khi trở thành Thủ đô Thăng Long, nơi đây đã trải qua không ít thăng trầm với những triều đại lịch sử nối tiếp. Thăng Long trở thành Hà Nội - vẫn là kinh đô của đất nước, nhưng để được như ngày hôm nay cũng đã từng phải oằn mình chịu những nỗi đau chiến tranh, cũng từng phải chứng kiến cảnh tiễn biệt những người con trẻ tuổi rời xa chốn phồn hoa đô hội để cống hiến xương máu của mình nơi chiến trường ác liệt. Để đến này 10/10/1954, người dân Thủ đô vỡ òa trong niềm vui sướng khi Hà Nội được giải phóng, sạch bóng quân thù.

Hà Nội - Chứng nhân lịch sử của dân tộc - Ảnh 1.

Có rất nhiều những công trình gắn liền với lịch sử giải phóng Thủ đô vẫn còn nguyên trạng

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Thăng Long xưa - Hà Nội hôm nay luôn tạo ra lực hấp dẫn thu hút nhân lực, vật lực của nhiều địa phương, tạo nên sự đa sắc về văn hóa và di sản văn hóa. Hà Nội cũng là vùng đất duy nhất của Việt Nam ghi dấu ấn của hơn 50 vị vua, hàng chục vị chúa và hàng trăm danh nhân văn hóa và lịch sử của đất nước. Những danh nhân này là những người có thể được sinh ra ở nhiều địa phương khác nhau nhưng hội tụ về Thủ đô. Có thể nhìn thấy điều này qua Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi đã rèn dũa nên nhiều nhân tài học vấn tại Thăng Long xưa và cả những ngôi trường Đại học lớn tại Hà Nội ngày nay.

Hà Nội - Chứng nhân lịch sử của dân tộc - Ảnh 2.

Văn Miếu Quốc Tử Giám - di tích này đến nay vẫn luôn được xem là biểu tượng học vấn tại Hà Nội

Khi nói về những giai đoạn thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội, PGS.TS Đặng Văn Bài nhận định Hà Nội là vùng đất chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của quốc gia. Có thể kể đến những sự kiện như vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô về Thăng Long, Hội nghị Diên Hồng, Hội thề Đông Quan, Rồng lửa Thăng Long của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Điện Biên Phủ trên không năm 1972...

Hà Nội - Chứng nhân lịch sử của dân tộc - Ảnh 3.

Cột cờ Hà Nội được xây dựng dưới triều Nguyễn, đã chứng kiến nhiều giây phút lịch sử tại Hà Nội

Hà Nội không chỉ là vùng đất chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, đối với PGS.TS Đặng Văn Bài, nơi đây còn là "thủ đô tâm linh" của cả nước với những tín ngưỡng đã đi sâu vời đời sống của hầu hết mọi người dân Việt Nam như Tứ Trấn - Đền Bạch Mã, Đền Quán Thánh, Đền Linh Lang Voi Phục, Đình Kim Liên; Tứ Bất Tử - Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh... Mỗi năm, người dân cả nước lại nô nức kéo nhau đến tham gia những lễ hội tín ngưỡng được tổ chức trên địa bàn Hà Nội, cảm nhận không gian văn hóa của những di tích ngàn đời như lễ hội Chùa Hương, hội Gióng ở đền Phù Đổng, Đền Sóc Sơn và hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khác.

Hà Nội - Chứng nhân lịch sử của dân tộc - Ảnh 4.

Đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc luôn được đông đảo khách tham quan du lịch ghé thăm đầu tiên khi đến Hà Nội

Việc bảo tồn, gìn giữ những di tích lịch sử tại Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung luôn là điều trăn trở của những người yêu mến Hà Nội. PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng trách nhiệm lớn lao nhất phải thực hiện đầu tiên là giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng. Các cơ quan quản lý các cấp cần khai thác thế mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng để làm thay đổi nhận thức của người Hà Nội về vai trò, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể và vật thể có trên địa bàn Thủ đô. Ông cũng cho rằng trong hoạt động quản lý di sản văn hóa, chính những người quản lý cũng cần nỗ lực tạo điều kiện cho cộng đồng nhận diện đúng giá trị của di sản văn hóa, được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích tinh thần và vật chất thông qua hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Nhờ vậy mà lòng tự hào, tình yêu di sản văn hóa luôn được giữ lửa trong cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Từ khóa:

Hà Nội

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước