Hình tượng rắn trong tâm thức và tín ngưỡng của người Lào

PV VTV tại Lào-Thứ sáu, ngày 15/02/2013 08:13 GMT+7

Thần Naga tại một ngôi chùa của Lào. Ảnh: dreamstime.com

Trong một số nền văn hoá, rắn là một siêu biểu tượng. Nhân dịp đón chào năm mới Quí Tỵ, chúng ta cùng tìm hiểu về hình tượng rắn trong đời sống tâm thức và tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc Lào.

Trong tự nhiên, rắn là loài sinh vật có đủ màu sắc, kích cỡ, có thể sống ở hầu hết các môi trường khác nhau và có những nét đặc trưng sinh học đặc biệt, rất dễ gợi ra nhiều liên tưởng. Vì vậy, trong một số nền văn hoá, rắn là một siêu biểu tượng. Còn đối với cư dân nông nghiệp gắn bó với đời sống sông nước thì rắn thường được tôn kính, coi như vật tổ hoặc là tượng trưng cho hình ảnh thủy thần. Trong khi đó theo Phật thoại, rắn lại có nhiều gắn bó với cuộc đời của đức Phật kể từ khi ngài mới đản sinh cho đến khi nhập cõi Niết Bàn. Nhân dịp đón chào năm mới Quí Tỵ, chúng ta cùng tìm hiểu về hình tượng rắn trong đời sống tâm thức và tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc Lào.

Nền văn hóa Lào là nền văn hóa Phật giáo. Chỉ với dân số khoảng 7 triệu người nhưng Lào có tới hơn 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ và phần lớn trong số đó được thiết kế xây dựng theo kiến trúc Phật giáo Nguyên thủy. Chùa chiền, đền tháp vốn là nơi gắn bó cả đời với mỗi người dân Lào. Và cùng với những hình ảnh thân quen của chùa chiền, đền tháp và Đức Phật từ bi chính là hình ảnh của rắn với rất nhiều sắc thái, dáng vẻ khác nhau… Dù dáng vẻ rất dễ gợi ra sự liên tưởng tới biểu tượng rồng trong văn hóa Việt nhưng đây lại chính là hình ảnh của rắn thần Naga thường được biết đến trong các truyền thuyết về Phật giáo.

Theo Phật thoại cuộc đời của Đức Phật từ khi ngài mới đản sinh cho đến khi nhập cõi Niết Bàn đều có liên quan ít nhiều đến rắn Naga. Song có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất có ảnh hưởng sâu đậm trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo Nguyên thủy (Therevada) là câu chuyện về “Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật”.

Phật thoại kể rằng, khi ngài đang đang tọa thiền dưới cội Bồ Đề thì một cơn mưa trái mùa như trút nước dội xuống thân thể ngài đồng thời tạo ra một dòng lũ lớn. Đúng lúc đó một vị vua rắn Naga liền bò ra khỏi nơi trú ẩn của mình, cuộn mình thành bảy vòng tròn, nâng Đức Phật lên khỏi dòng nước đang chảy xiết và dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành một chiếc lọng lớn che chở cho Đức Phật yên tâm thiền định. Cùng với câu chuyện trên, còn khá nhiều những huyền thoại, sự tích khác nhằm giải thích, khẳng định dấu ấn của Naga trong các nghi thức, nghi lễ của Phật giáo Nguyên thủy.

Chính từ những huyền thoại đó nên rắn đã trở thành một hình tượng rất phổ biến trong văn hóa Phật giáo nhằm biểu hiện ý nghĩa rằng đức Phật đã cảm hóa được cái ác, để thần rắn phát nguyện phục tùng, theo hầu đức Phật. Đây được xem là tư tưởng mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Phật giáo. Và cũng xuất phát từ nhận thức đó, rắn đã trở thành một giá trị biểu tượng đầy ý nghĩa, mang lại sự bình an cho cuộc sống của con người.

Tại các ngôi chùa, theo kiến trúc Phật giáo Nguyên thủy tại Đông Nam Á nói chung và ở Lào nói riêng, hình tượng rắn thường được trang trí trên các mái chùa, các đầu đao, bậc thang, lối đi, cửa ra vào để xua đuổi tà ma và bảo vệ đạo Phật.

Thế nhưng, trước khi đạo Phật được truyền bá vào Lào, thì rắn (hay thuồng luồng) đã xuất hiện trong niềm tin và nhận được sự tôn kính của người Lào như là vật tổ hay thủy thần. Bởi lẽ, vốn là những cư dân nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ tự nhiên, gắn liền với những biến cố do sông nước, nên các hiện tượng tự nhiên chưa thể giải thích thường được người dân gắn cho những huyền thoại liên quan tới rắn.

Ông Hủm-Phăn Lắt-Tạ-Nạ-Vông - Nguyên Viện trưởng Viện văn hóa Lào giải thích: “Trong tín ngưỡng của người Lào cổ thì Naga đã có từ hơn 2.000 năm nay. Nó được bắt đầu xuất hiện dưới triều đại vương quốc Thẻn (hay được gọi là vương quốc Nỏng Sẻ )ở vùng phía Nam Trung Quốc. Người Lào ở vùng này chọn thuồng luồng (Naga) là biểu tượng và là vật tổ của tộc người mình. Người Lào chọn thuồng luồng (Naga) là vật tổ vì chúng tôi sống gắn bó với sông nước, ven theo các dòng sông, là nơi đất đai trù phú thuận lợi cho canh tác nên chịu nhiều ảnh hưởng của thủy thần (Naga). Bên cạnh đó, việc chọn Naga làm vật tổ còn giúp cho sự đoàn kết thống nhất trong người Lào, bởi có cùng một quan hệ huyết thống vì đều là con cháu của Naga”.

Chính vì lẽ đó mà cho đến ngày nay, hình ảnh về rắn Naga vẫn được tìm thấy trên một số hiện vật cổ mang tính tôn giáo cũng như luôn gắn liền với các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc Lào với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, để sản xuất nông nghiệp thuận lợi, mùa màng tốt tươi.

Người Lào cũng coi rắn là con vật mang lại điều may mắn cho con người. Trong niềm tin của người Lào, nếu đi đâu mà gặp rắn sẽ được may mắn còn nếu gặp hươu nai, hoẵng hoặc gà rừng sẽ là điềm gở và nên quay về.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước