Indonesia tái chế giấy từ chất thải của voi

Ngọc Phương-Thứ sáu, ngày 02/05/2014 22:02 GMT+7

Công viên Safari tại Indonesia đang thực hiện một dự án vô cùng độc đáo, đó là biến chất thải của voi thành giấy có tên gọi là "giấy poo". Đây được xem là phương pháp tái chế hữu ích đồng thời góp phần kêu gọi cộng đồng bảo vệ loài vật đang bị đe dọa này.

Các nhân viên của công viên cho biết, ý tưởng làm giấy từ chất thải của voi xuất phát khi họ chăm sóc các chú voi hàng ngày và hệ tiêu hóa của loài động vật này không thể phân hủy hết thức ăn, do đó một lượng lớn sợi thực vật sẽ còn sót lại.

Ban đầu, các nhân viên vườn thú cho chất thải vào nước để lọc lại phần sợi thực vật rồi đun chúng lên để khử mùi cũng như tiêu diệt vi khuẩn. Sau khi những sợi sơ trong chất thải được làm mềm chúng sẽ được trộn với 1 ít giấy phế thải. Hỗn hợp giấy và sợi sơ này sẽ được đúc thành tấn rồi phơi khô

Ông Mukdor Khasani, quản lý công viên Safari cho biết: “Rác và chất thải động vật thường bị mọi người coi là bẩn. Nhưng tại đây chúng tôi muốn biến chất thải động vật thành một thứ hữu ích hơn bằng cách tái chế chúng thành giấy”.

Các nhân viên vườn thú cho biết, cứ 1kg chất thải voi có thể tạo ra được hơn 250 tờ giấy. Những tờ giấy này sẽ được dùng để đóng sách, làm bao thư hay khung hình và bán tại các cửa hàng đồ lưu niệm ở công viên.

Một khách hàng du lịch chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng điều này rất hữu ích cho tất cả mọi người, đặc biệt là các học sinh vì việc phổ biến phương pháp tái chế thân thiện với môi trường như thế này sẽ giúp chứng minh rằng tất cả các loại chất thải ấy đều có thể được tái chế và sử dụng được”.

Trong 40 năm qua lượng giấy tiêu thụ trên toàn cầu đã tăng 400% và hầu hết được sản xuất từ gỗ. Các nhà sản xuất giấy cho biết, nếu các phương pháp sản xuất giấy bằng nguồn nguyên liệu thay thế, được thực hiện trên quy mô lớn sẽ giúp đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ này. Họ cũng hy vọng rằng việc tái chế giấy từ chất thải voi cũng giúp mọi người có ý thức hơn về lợi ích của loài động vật này đem lại.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước