Khám phá tục "Củi hứa hôn"

Văn Hiển-Thứ sáu, ngày 15/06/2012 07:00 GMT+7

Khi đến tuổi cập kê, các cô gái Giẻ Triêng, Kon Tum phải lên rừng chặt hàng trăm bó củi lớn để làm lễ vật “bắt chồng”...

Với người Giẻ Triêng, củi hứa hôn là vật minh chứng cho tình yêu của các cô gái đối với các chàng trai mà họ định chọn làm chồng. Vì vậy, cũng như bao thế hệ đi trước, bước vào tuổi 18, thiếu nữ Y Xóa, dân tộc Giẻ Triêng ở làng Nông Kon, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã cùng với các bạn đồng trang lứa lên rừng tìm cây đẹp để chặt về làm củi hứa hôn. Củi càng nhiều, càng thẳng và nhát chặt càng gãy gọn thì Y Xóa càng gửi gắm được nhiều tình cảm của mình đến với chàng trai mà cô thầm thương trộm nhớ.

Theo phong tục tập quán của dân tộc ở đây thì mỗi cặp vợ chồng lấy nhau, cô dâu phải bó được hơn 100 đến 200 bó củi cho nhà trai.
Từ bao đời nay đồng bào Giẻ Triêng vẫn sống theo chế độ mẫu hệ. Do đó, các thiếu nữ Giẻ Triêng luôn chủ động trong việc tìm người yêu và hỏi cưới. Trong lễ cưới, củi hứa hôn là vật không thể thiếu của các cô gái dành cho gia đình chàng trai. Vì vậy, ngay từ khi đôi má vừa biết ửng hồng, các thiếu nữ Giẻ Triêng đã được các bà, các mẹ hướng dẫn cho cách chọn củi trên rừng.

‘ Để có được những bó củi hứa hôn này, các cô gái Giẻ Triêng phải mất rất nhiều thời gian và công sức. (Ảnh:

quehuongonline.vn)
Làm ra củi đẹp thể hiện con dâu là người khỏe mạnh, giỏi giang, khéo tay, biết làm các công việc nhìa. Củi hứa hôn nhiều, đẹp sau này vợ chồng sẽ may mắn sinh ra con cái đẹp và giỏi giang. Củi hứa hôn còn được dùng để đun nước, sưởi ấm cho bố mẹ chồng vào mùa đông. và nó còn để thể hiện tình yêu thương chồng và hiếu thảo với cha mẹ chồng của cô con dâu.
Tuy là nét văn hóa đẹp nhưng việc mỗi cô dâu Giẻ Triêng khi “bắt chồng” phải chặt từ 100 - 200 bó củi từ rừng cũng là vấn đề làm cho chính quyền địa phương lo lắng. Bởi lẽ, đây là hành động vi phạm luật quản lý bảo vệ rừng. Mặt khác, để có được củi hứa hôn, các cô gái Giẻ Triêng phải vất vả băng rừng lội suối trong nhiều tháng trời để tìm kiếm. Đây là một việc vừa mất thời gian, vừa mất công sức.
Làm thế nào để gìn giữ tục củi hứa hôn, một nét văn hóa đẹp lại vừa làm tốt công tác quản lí bảo vệ rừng, câu chuyện tưởng rằng rất mâu thuẫn này cuối cùng đã có lời giải đáp thỏa đáng.
Tuyên truyền, vận động để bà con hiểu củi hứa hôn chỉ là vật tượng trưng cho tình yêu, vì vậy cần giảm số lượng hàng trăm bó như trước đây xuống còn 10-15 bó trong mỗi đám cưới là cách được Đảng ủy, chính quyền địa phương vận động bà con đưa vào hương ước. Ngoài ra, giải pháp thay thế củi rừng đã được triển khai thực hiện và bước đầu đem lại hiệu quả.
Chị Y Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi cũng đã vận động bà con trồng cây bời lời thay thế củi rừng. Cây bời lời khi khai thác chúng tôi bán vỏ để phát triển kinh tế, còn cái cây chặt để làm củi cưới”.
Khi hương ước đi vào đời sống, diện tích bời lời tại các làng Giẻ Triêng cũng tăng dần. Đôi tay các cô gái nơi đây vì thế mà bớt chai sạn, đôi vai cũng đỡ nhọc nhằn hơn. Trong đám cưới của người Giẻ Triêng hôm nay, các cô gái vẫn có nhiều củi hứa hôn tặng nhà trai, mà rừng thì không bị chặt phá. Củi hứa hôn bằng cây bời lời cũng đẹp không kém và cũng đủ để minh chứng cho tình yêu của đôi trai gái giữa rừng núi đại ngàn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước