Kinh kịch - Quốc túy của Trung Quốc

Việt Nữ -Thứ tư, ngày 26/03/2014 11:16 GMT+7

Kinh kịch còn được gọi là Ca kịch phương Đông, đã có hơn 200 năm lịch sử và là quốc túy của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị của Kinh kịch trong thế giới hiện đại vẫn là một câu chuyện dài.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống như Cải lương, Chèo, Hát bội... ở nước ta gặp không ít khó khăn. Tương tự như vậy ở Trung Quốc, Kinh kịch với bề dày lịch sử hơn 200 năm và là một trong 4 quốc túy của nước này đang dần bị giới trẻ lãng quên. Đưa Kinh kịch vào cuộc sống thường ngày để có thể bảo tồn lâu dài giá trị nghệ thuật truyền thống là cách làm đang được nhân rộng tại thủ đô Bắc Kinh.

Cứ vào buổi trưa thứ Tư hàng tuần, quán trà Lão Xá trên khu phố cổ Tiền Môn trở nên nhộn nhịp hơn bởi sự góp mặt của những người yêu Kinh kịch. Không quần là áo lượt như lên sân khấu rạp hát, cũng không cần hóa trang công phu, những người đến đây chủ yếu là để giao lưu hát cho nhau nghe, vậy nên cũng khó mà phân biệt được ai là diễn viên, ai là khán giả.

Ông Thôn Bồi Hồng - Giảng viên môn Kinh kịch Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi kiên trì hoạt động hàng tuần nhằm bảo tồn nghệ thuật quốc túy của dân tộc là Kinh kịch. Chúng tôi tạo môi trường để khán giả và diễn viên gần gũi. Những người yêu Kinh kịch đến đây đều có thể lên sân khấu hát thử, biểu diễn cho mọi người nghe có thể chỉ là một đoạn ngắn trong một tuồng tích nào đó”.

Theo nhận xét của phần đông những người yêu Kinh kịch thì hiện nay, người hát và nghe Kinh kịch đã ít đi nhiều do xã hội phát triển, có nhiều loại hình giải trí khác. Đặc biệt, giới trẻ đa phần chỉ thích nhạc thời thượng như rock, rap. Còn Kinh kịch thì phải có thời gian cảm thụ, tâm phải tĩnh mới cảm nhận được sự sâu sắc của ca từ và sự du dương của âm nhạc.

Chính vì vậy mà những câu lạc bộ như thế đang được khuyến khích nhân rộng ở Bắc Kinh. Không chỉ người dân Trung Quốc mà khách nước ngoài đến xem cũng muốn tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Và ngày càng có nhiều hơn bạn trẻ Trung Quốc yêu thích Kinh kịch.

Bạn Lý Tuệ - Sinh viên ở Trung Quốc lý giải: “Tôi thấy học Kinh kịch rất khó, không chỉ là luyện hát mà phải luyện vũ đạo. Có những động tác phải khổ luyện cả chục năm trời mới được.

Thế nhưng Lý Tuệ vẫn yêu thích bộ môn nghệ thuật này bởi nó chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử văn hóa và bởi các tuồng tích, ca từ rất sâu sắc, thấm thía.

Ông Hà Lôi - Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc chia sẻ: “Họ không chỉ khuyến khích bảo tồn Kinh kịch trong nước mà còn đưa Kinh kịch đi giao lưu biểu diễn ở nhiều quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Indonesia, Campuchia và cũng rất mong có cơ hội đến Việt Nam để biểu diễn và tham quan tìm hiểu thêm về nghệ thuật văn hóa truyền thống của Việt Nam”.

Kinh kịch còn được gọi là Ca kịch phương Đông, đã có hơn 200 năm lịch sử và là quốc túy của Trung Quốc. Sở dĩ người ta gọi là Kinh kịch bởi nó được hình thành ở Bắc Kinh. Kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, Kinh kịch đã có những bước phát triển mới. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc hết sức hỗ trợ để Kinh kịch ngày càng đi sâu vào cuộc sống người dân nhằm bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước