Mâm cơm đón Tết của người Nam Bộ

Quốc Khánh - Diệu Linh-Thứ năm, ngày 03/02/2011 08:05 GMT+7

Khác với miền Bắc, người dân đón Tết trong cái lạnh buốt giá, ngày xuân ở Nam Bộ lại ngập tràn trong nắng, trong sắc mai vàng rực rỡ. Có lẽ thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống và con người nơi đây chất phóng khoáng, rộng mở. Cũng chính vì thế mà mâm cơm đón Tết của người Nam Bộ có sự khác biệt rất độc đáo.

Cuộc sống của người dân Nam Bộ quanh năm gắn liền với sông ngòi, kênh rạch. Những sản vật sẵn có, được đánh bắt từ tự nhiên như tôm, cua, cá… luôn là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Và người nam Bộ chăm chút cho nó, với tất cả tấm lòng thành kính hướng về tổ tiên, ông bà.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - TP. Cần Thơ cho biết: “Tết của miền Nam mình thì con cháu về sum họp. Và những món ăn đặc sản của miền quê như tôm,cá, thịt kho, bánh tét là tượng trưng cho ngày Tết và ăn uống theo lối miền quê mình”
Từ xưa đến nay, những món ăn vẫn được xem là thực đơn vĩnh cửu trong mâm cơm ngày Tết là món canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho hột vịt, nhà khá giả có thêm thịt gà luộc xé phay trộn gỏi, đĩa bì cuốn, kèm theo những món ăn này không thể thiếu củ kiệu muối chua và đĩa rau sống.
Món ăn gần như phổ biến trong mâm cỗ ngày Tết Nam Bộ là đĩa bánh tét, cũng giống như ngoài Bắc có bánh chưng. Nhưng nhân bánh tét phong phú hơn, có thể là nhân thịt, có khi vài trái chuối cũng làm được nhân bánh, có nhà còn trộn thêm đậu đỏ. Bánh tét có nhiều loại nhân và vị mặn, ngọt tùy ý gia chủ.
Anh Phạm Minh Sáng - PGĐ Khu du lịch Mỹ Khánh - TP Cần Thơ nói: “Nét đặc trưng của người Nam Bộ trong ngày Tết là những món ăn cổ truyền của ông bà. Ngày xưa ông bà mình cũng sống ở những miền quê, cũng thích ăn những cái món như là bông xôi, bông sung, bông bí. Để tỏ lòng thành kính của mình với tổ tiên, ông bà, người dân Nam Bộ cũng thể hiện lại những món ăn đó để dâng lên bàn thờ, để tổ tiên, ông bà nhớ lại những ngày truyền thống của mình, như là món bánh tét. Bánh tét là không thể thiếu được, như là ở miền Bắc mình là có bánh chưng. Hay những món ăn như là tôm,cá, những món ngon là dâng lên ông bà, sau đó mình dùng, để tưởng nhớ ông bà”.

Một bữa cơm sum họp đầm ấm bên người thân, gia đình vào những ngày đầu năm mới sẽ thật ý nghĩa, để cảm nhận hết thảy các vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng trong từng món ăn. Cái ngũ vị ấy tượng trưng cho ngũ hành vần xoay. Thật ý vị và độc đáo làm sao Tết của người Nam Bộ, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của Tết cổ truyền Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước