Nghề gác kèo ong ở vùng rừng U Minh Hạ

Đặng Công-Thứ hai, ngày 17/03/2014 10:44 GMT+7

Tháng 3 hoa tràm đua nở trắng rừng , đó cũng là lúc mà nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ, Cà Mau vào vụ.

“Muỗi kêu như sáo thổi; Đỉa lội tựa bánh canh” là những hình ảnh mà những người lớn tuổi thường ví von khi nói đến xứ U Minh. Nhờ những cánh rừng tràm nguyên sinh, nơi đây đã cung cấp nhiều lâm sản quý giá cho con người. Một trong những đặc sản đó là mật ong. Để thu hoạch được loại đặc sản này phải cần đến bàn tay của người thợ chuyên làm nghề gác kèo.

Dù ngày nay, rừng tràm đã thu hẹp ít nhiều nhưng nghề gác kèo ong vẫn không hề mai một. Tháng 3 là thời điểm hoa tràm đua nở trắng rừng. Đó cũng là lúc mà nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ, Cà Mau vào vụ. Để đi lấy mật ong rừng, họ cần dao để mình cắt tàng, thau để đựng mật, một miếng lưới dày để che mặt tránh bị ong đốt và bùi nhùi dùng đốt lên lấy khói để xua ong.

‘ Ảnh minh họa

Trước khi lấy mật, phải đốt bùi nhùi xông khói để xua ong ra rồi mới cắt tổ. Để giữ ong ở lại, người ăn phải cắt 1/3 tổ, để lại một phần tàng. Trung bình một lần lấy mật được khoảng từ 2 đến 3 lít. Muốn mật ong đạt chất lượng, người gác kèo phải khai thác vào mùa khô. Khi đó, mật mới tinh nguyên, đậm đặc và nguyên chất.

Trước đó vài tháng, họ phải làm kèo cho ong đóng tổ. Kèo được làm từ một đoạn tràm dài khoảng 2m chẻ đôi róc sạch vỏ, đục lỗ ở hai đầu để dễ dàng gác lên hai khúc cây cặm nghiêng. Đây là một việc kỳ công đòi hỏi chút khéo tay. Bởi nếu không, ong sẽ không về làm tổ. Điều cần chú ý khi gác kèo là chọn hướng gió, dọn dẹp khu vực xung quanh để có ánh sáng ong mới về làm tổ. Độ nghiêng giữa hai cây khoảng 60 độ.

Những năm trước đây, nghề gác kèo ong bị cấm do lo sợ cháy rừng. Nhưng từ khi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nghề gác kèo ong được khôi phục với những quy định khai thác nghiêm ngặt hơn. Tại Hợp tác xã 19 tháng 5, khi vào rừng “ăn” ong, các xã viên phải đảm bảo quy tắc phòng cháy, chữa cháy.

ông Nguyễn Văn Vững - Chủ nhiệm Hợp tác xã 19 tháng 5 - U Minh - Cà Mau cho biết: “Ở đây vào mùa mưa, các xã viên “ăn” ong theo cách truyền thống. Còn mùa nắng thì phải tuân thủ quy định mà dự án khai thác ong rừng đề ra. Người gác kèo ong phải có áo bảo hộ, phải có bình khói để tránh lửa bén gây cháy rừng”.

Hơn một năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã 19 tháng 5 giờ có hơn 40 thành viên. Mỗi năm, một người gác kèo ong khai thác được 150 lít, giá bán khoảng 200.000 đồng/lít, có thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Hiện Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau đang nhân rộng mô hình này đến các huyện khác. Bởi ngoài việc nâng cao thu nhập cho người dân, đây là cách bảo vệ rừng hiệu quả.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước