Lơ là đón khách
Việc chuẩn bị một khối lượng thực phẩm khổng lồ cho những buổi gặp mặt đông đúc với số lượng thực khách lên đến vài chục người có thể khiến bạn chỉ mải mê tập trung vào phần thực phẩm mà lơ là mất khoản đón khách. Không phải vị khách nào cũng đều quen biết hết với những người còn lại. Và không phải ai cũng thuộc kiểu quảng giao để có thể rôm rả chuyện trò cùng mọi người khi chưa tìm ra được những điểm chung. Từ đây, những khách mời lạc lõng với số đông còn lại rất có thể cảm thấy bản thân trở nên dư thừa và dặn lòng lần sau sẽ không tham dự nữa.
Giải pháp: Hãy cắt cử một thành viên trong gia đình phụ trách khâu đón khách. Với bất kỳ vị khách nào mới đến, hãy khéo léo kéo họ vào vòng tròn trò chuyện. Người đón khách chỉ nên rời đi khi câu chuyện chung đã bắt đầu “bén lửa”.
Tiếng nhạc quá lớn
Ở những buổi hội họp bạn bè cuối tuần của những cặp đôi trẻ tuổi, âm nhạc là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, do tính chất “hừng hực” của tuổi trẻ nên đôi lúc âm lượng của dàn loa cũng làm “bừng bực” một số khách mời khi họ cứ phải cố gân cổ để “tiếng hét át tiếng loa”.
Giải pháp: Vẫn có thể khuấy động không khí bằng những bản nhạc sôi động, bạn hãy bắt đầu mở nhạc ở âm lượng vừa phải khoảng 10-15 phút đầu. Sau đó, khi các khách mời đã bắt đầu trò chuyện và điều chỉnh chất giọng của họ có phần “lấn lướt” tiếng nhạc một chút, thì đây là lúc bạn có thể nâng âm lượng lên vì khi đã bị cuốn vào cuộc thảo luận thì các thành viên bữa tiệc cũng không còn để ý tiếng nhạc nền nữa.
Thiếu hụt thực phẩm
Sẽ thật kém vui và khó xử cho gia chủ khi buổi tiệc đang đến hồi cao trào thì… hết thức ăn. Sẽ thật mất hứng và khó nói cho khách mời khi buổi tiệc đang trên đà rôm rả lại… bia đâu chẳng còn.
Giải pháp: Thật ra, để khắc phục tình trạng “mất hứng giữa chừng” này cũng rất dễ thôi. Bạn hãy lên kế hoạch và chuẩn bị nguồn thực phẩm gấp rưỡi sức tiêu thụ trung bình của một người. Riêng đối với đá lạnh, hãy chuẩn bị gấp đôi; một phần để dùng ngay và phần còn lại trữ trong tủ lạnh. Đây là bí quyết rỉ tai nhau của các chuyên gia tổ chức sự kiện đấy.
Thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng
Không phải ai cũng thuộc típ “ăn tạp” 100%. Bạn sẽ là một Nhà Tổ Chức trên cả tuyệt vời nếu lưu ý đến khía cạnh dị ứng thực phẩm của khách. Làm sao để biết hết vị khách nào sẽ dị ứng với món nào?
Giải pháp: Đảm bảo trong thực đơn luôn có rau xanh và trái cây vì đây được xem là loại thực phẩm lành “nhất quả đất”. Ngoài ra, nên cân nhắc chọn số lượng vừa phải đối với các món tôm, hàu, cừu, cá, các loại hải sản lạ vì có rất nhiều người có cơ địa dị ứng với những loại thực phẩm này. Về nước uống, bên cạnh rượu, bia, nước ngọt thì cũng không thể thiếu nước lọc dành cho những ai không muốn “chè chén” hoặc những người phải lái xe.
Quá nhiều “nội qui”
Để bảo vệ tài sản và sự riêng tư của ngôi nhà (hiện đang là nơi tiệc tùng diễn ra), nhiều gia chủ đã “bỏ nhỏ” với khách mời một danh sách những điều họ cần lưu ý như bỏ giày trước khi bước vào thảm, không uống rượu vang khi ngồi sofa, không vịn tay mồ hôi vào tường,… Những điều này theo bạn là hợp lý nhưng rất có thể các khách mời sẽ cảm thấy không thoải mái và “bực một tí”. Bạn hoàn toàn không muốn bữa tiệc mất vui ngay từ những phút đầu thông báo “nội qui” chứ?
Giải pháp: Ban tổ chức thành công là làm sao đặt sự thoải mái của khách mời lên trên sự thoải mái của chính mình. Do đó, để vẹn cả đôi đường, bạn hãy cẩn thận dùng vang trắng thay vì vang đỏ để không còn vết tích rượu vang trên sofa, cất kỹ những đồ vật dễ vỡ để không ai phải khó xử, chuẩn bị tấm lót ly hoặc chén để tránh khăn bàn vấy bẩn, khoá kín cửa những căn phòng mà bạn muốn giữ riêng tư,… Quan trọng hơn, bạn nên chuẩn bị tinh thần rằng đây chính là cái giá có thể chấp nhận được để cuộc vui được trọn vẹn.
Không biết thì thôi, biết rồi thì những lưu ý trên cũng không có gì là “ghê gớm” và bạn có thể xử lý dễ dàng, phải không? Chúc cho các khách mời của bạn luôn đến thoải mái và ra về sảng khoái.