Phụ nữ Ấn Độ dũng cảm đấu tranh chống tình trạng tạt acid

Thanh Thủy-Thứ sáu, ngày 27/12/2013 18:04 GMT+7

Tại Ấn Độ, một trong những nơi xảy ra nhiều vụ tấn công bằng acid, một nhóm những phụ nữ là nạn nhân của các vụ tấn công đã dũng cảm đấu tranh ngăn chặn tình trạng này, đòi lại công lý cho các nạn nhân.

Tấn công bằng acid là một trong những hình thức tấn công tàn bạo nhất. Nó để lại cho nạn nhân những vết sẹo khủng khiếp về tinh thần lẫn thể xác và bám theo họ suốt cả cuộc đời. Song, trên thế giới, mỗi năm vẫn xảy ra khoảng 1.500 vụ tấn công bằng acid.

Câu chuyện của những phụ nữ tại Ấn Độ là minh chứng rõ ràng nhất về hậu quả nặng nề mà những vụ tấn công acid gây ra. Trong đó có Sonali Mukherjee và Laxmi.

‘ Laxmi (áo đen) là một trong những nạn nhân bị tạt acid ở Ấn Độ

Khi Sonali Mukherjee bị tấn công bằng acid, cô mới 18 tuổi và là một sinh viên xã hội học. Sonali Mukherjee bị một nhóm thanh niên trong khu phố quấy rối. Cô đã dọa báo cảnh sát và hành động tự vệ của cô đã khiến nhóm thanh niên này lên kế hoạch trả thù. Chúng đã lẻn vào nhà Mukherjee và đổ axit lên mặt cô trong khi cô đang ngủ.

“Lúc đó khoảng 2h sáng. Khi chúng tôi còn đang ngủ, chúng trèo trên mái nhà xuống và ném 1 lọ acid vào tôi. Tôi bị bỏng 70%. Tôi không thể diễn tả được cảm giác da tôi bị cháy như thế nào” - Sonali Mukherjee kể lại. Vụ tạt acid này đã khiến mắt cô không nhìn thấy, tai cũng gần như không nghe thấy gì. Mukherjee đã không được sơ cứu kịp thời. Khi đó, ngay cả những chuyên gia y tế cũng không biết phải điều trị cho cô như thế nào.

Mukherjee đã trải qua 28 cuộc phẫu thuật trong hơn 10 năm qua. Với cô, đây là một cuộc chiến đầy khó khăn để tồn tại: “Những nạn nhân bị tạt acid như tôi phải chiến đấu ở nhiều cấp độ. Đầu tiên, là chiến đấu với nỗi đau thể xác, sau đó là nỗi đau tinh thần và cả tài chính nữa. Các nạn nhân đều sống trong các gia đình nghèo, những thách thức về tài chính cũng rất lớn”.

Còn trường hợp của Laxmi (24 tuổi) lại khác. Cô đã bị tạt acid cách đây 8 năm sau khi từ chối lời đề nghị kết hôn của một người đàn ông hơn cô 25 tuổi. Cô cho rằng luật pháp Ấn Độ không đủ nghiêm để bảo vệ phụ nữ: “Người tạt acid vào tôi đã bị bắt sau đó 4 ngày nhưng chỉ 1 tháng sau, hắn ta lại được thả. Hắn ta đã kết hôn và có một đứa con. Công lý ở đâu? Luật pháp ở đâu? Không có ở đâu hết”.

Trước thực tế này, bà Kamlesh Jain - một luật sư đại diện cho các nạn nhân vụ tấn công acid – cho hay người nghèo đặc biệt dễ bị tổn thương sau khi bị tấn công vì họ không có tiền để đi kiện: “Ở Ấn Độ, tôi thấy cảnh sát không quan tâm lắm tới việc nạn nhân có đủ tiền để kiện hay không, nên nhiều người không theo kiện. Thậm chí, kể cả khi đã kiện, hình phạt cũng vô cùng nhẹ và không thỏa đáng”.

‘ Nhóm tình nguyện do Laxmi thành lập có tên "Ngăn chặn các vụ tấn công bằng acid"

Sau nhiều năm đấu tranh, tòa án tối cao Ấn Độ đã ban hành luật cấm bán acid. Trong đó, các nạn nhân bị tạt acid được bồi thường 1.400 USD. Nhưng, hiện tại, Laxmi đang phải phát động chiến dịch chống lại việc mua bán acid – loại hóa chất được mua bán dễ dàng và rẻ như một chất tẩy rửa thông dụng. Cô nói: “Khi tòa án tối cao đã đưa ra phán quyết, tất cả mọi người phải có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ. Nhưng cho đến nay, luật này vẫn chưa đến được các các cửa hàng. Việc bán aicd cần phải được cấm hoàn toàn”.

Laxmi đã thành lập nhóm tình nguyện có tên “Ngăn chặn các vụ tấn công bằng acid” và nỗ lực của họ đã được đền đáp bằng việc tòa án tối cao Ấn Độ đã ra lệnh cho tất cả các bang phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật từ ngày 3/12. Bằng kinh nghiệm của mình, Laxmi và các tình nguyện viên khác đang giúp một nạn nhân của vụ tấn công acid trình diễn các màn múa rối mà qua đó cô có thể kể câu chuyện của mình cho mọi người.

Để tìm hiểu rõ hơn thực tế này tại Ấn Độ, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước