Rối loạn nhịp tim

Kim Hải -Thứ bảy, ngày 25/06/2011 07:55 GMT+7

Mọi người đều từng trải qua cảm giác tim của mình đập rối loạn trong một khoảnh khắc nào đó, tuy nhiên sự xuất hiện đó qua đi và không ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng cũng có những rối loạn nhịp tim tồn tại, ảnh hưởng hoặc gây nguy hiểm đến cuộc sống do đó cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mỗi phút, trái tim của người trưởng thành, khỏe mạnh, đập khoảng 70 lần, mỗi lần đẩy ra 150ml máu. Trong suốt đời người, tim lần lượt đập cả gần ba tỷ nhịp, bơm ra cả triệu thùng máu. Tim làm việc liên tục ngày đêm, không mệt mỏi, mặc dù chỉ to bằng nắm tay em bé và nặng trên 300 gram. Nhịp tim được coi là rối loạn khi nó đập quá chậm, dưới 50 lần/phút, hoặc quá nhanh, tới 90 lần/phút, hoặc là không đều nhau, lúc nhanh, lúc chậm.

Trên thực tế ở người bình thường đôi khi cũng có vài thay đổi thoảng qua, vô hại của nhịp tim. Nhưng nếu loạn nhịp kéo dài, khó thở, đau ngực, buồn nôn, chóng mặt, bất tỉnh... thì nên cẩn thận. Nó rất có thể là dấu hiệu một bệnh nào đó ở tim hoặc của cơ thể.

Một số rối loạn nhịp tim không gây biểu hiện gì, tuy nhiên phần lớn các bệnh rối loạn nhịp tim đều có các biểu hiện rất rõ. Người bị loạn nhịp tim thường cảm thấy mệt mỏi triền miên, hoa mắt choáng váng, đau đầu nhẹ dai dẳng, có thể ngất. Phần lớn các bệnh nhân rối loạn nhịp tim bị ngất đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên đôi khi người bệnh thấy được một số biểu hiện báo trước: hoa mắt, chóng mặt; nhìn thấy quầng xanh trước mắt; vã mồ hôi; nôn hoặc buồn nôn; chướng bụng; đánh trống ngực; đau đầu; lú lẫn hay khó diễn đạt suy nghĩ.

Rối loạn nhịp tim thường xuất phát từ nhiều bệnh lý khác nhau. Điều quan trọng nhất để phân biệt giữa nhịp tim nhanh do hồi hộp, lo âu, nhịp tim chậm do huyết áp hạ với rối loạn nhịp tim do bệnh lý là ở tiền sử của người bệnh. Cần biết rằng, các bệnh huyết áp cao, mỡ máu cao, đái tháo đường, bệnh xơ vữa mạch, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh tuyến giáp có thể gây rối loạn nhịp tim nếu không được kiểm soát.

Để phòng tránh rối loạn nhịp tim, cần:

- Lựa chọn một thói quen sống tốt: tập luyện thường xuyên, ăn ít chất mỡ, ăn nhiều rau và các thực phẩm chứa nhiều vitamin, duy trì cân nặng ở mức cho phép.

- Không hút thuốc lá.

- Hạn chế dùng các chất kích thích với tim như: cà phê, rượu.

- Tránh các căng thẳng, bảo đảm đủ thời gian nghỉ ngơi.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

- Điều trị tốt các bệnh lý liên quan: bệnh xơ vữa mạch, mỡ máu cao, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh tuyến giáp...

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước