Thiết bị điện tử: Trẻ chơi thế nào là đủ?

Việt Hà (Ảnh: Internet)-Thứ hai, ngày 22/07/2013 17:22 GMT+7

Sử dụng các thiết bị điện tử sẽ khiến trẻ tiếp cận nhanh với công nghệ, mở mang kiến thức... Tuy nhiên, nếu trẻ tiếp cận quá nhiều nhiều với các trò chơi điện tử sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe của trẻ. Vậy cha mẹ cần phải điều tiết như thế nào?

Những thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại di động, ti vi 3D có sức hấp dẫn, thu hút đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Có những em bé chỉ khoảng 2 đến 3 tuổi đã biết cách sử dụng Ipad, hay là chơi game trên điện thoại một cách thành thạo. Chơi game, xem phim, và nhiều ứng dụng khác trên các thiết bị điện tử cũng có những lợi ích nhất định, tuy nhiên, nếu xem nhiều, chơi nhiều, sẽ ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ.

Thích thú, chăm chú, những đứa trẻ này đang mải mê khám phá thế giới sinh động, đầy mầu sắc, hình ảnh, dưới ngón tay lướt trên màn hình cảm ứng. Chơi game, xem hoạt hình trên các thiết bị điện tử phần nào giúp trẻ mở mang hiểu biết, đồng thời rèn khả năng phản ứng nhanh với các tình huống. Tuy nhiên, nếu chơi nhiều, xem nhiều, trẻ rất có khả năng bị cận thị, bị béo phì do lười vận động, và đặc biệt là những ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần của trẻ.


Bác sĩ Quách Thúy Minh, Nguyên Trưởng khoa Tâm bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Khi sử dụng các thiết bị điện tử, trẻ chỉ một mình tiếp cận với các loại máy móc đó, không được giao lưu với những người xung quanh. Trong khi chơi game, trẻ là trung tâm của vấn đề, xử lý hết tất cả mọi thứ và trẻ thấy mình rất quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, muốn tiếp xúc với người khác, trẻ phải biết chia sẻ, nhường nhịn, hiểu cảm xúc của đối phương và trẻ phải ứng sử sao cho phù hợp, trẻ cần có các kỹ năng như đối thoại mặt đối mặt, chờ đợi, cảm thông… Do đó, nếu trẻ chỉ chơi game, những kỹ năng này sẽ bị mất đi”.

‘ Cha mẹ nên hướng dẫn và giám sát trẻ khi trẻ chơi game hay sử dụng các thiết bị điện tử. (Ảnh minh họa)

Ở mức độ nặng hơn, trẻ có thể bị ngủ kém, thụ động, và có thể mắc chứng nghiện đồ công nghệ.

Bác sĩ Quách Thúy Minh cho biết thêm: “Một ngày có thể cho con chơi từ nửa giờ tới 1 giờ dưới sự giám sát của cha mẹ. Cha mẹ cần phải biết được con chơi trò gì, có phù hợp với lứa tuổi hay không. Tiếp theo, cha mẹ có thể cùng con chọn các chương trình trên tivi, các trò chơi phù hợp, sao cho từ trò chơi đó con có thể có những phản ứng và xử lý tình huống nhanh nhạy.

Cha mẹ có thể chơi với trẻ, trong quá trình chơi, cha mẹ có thể hỏi con khi có những hiện tượng xảy ra: Con thấy thế nào, tại sao con lại thích nó?... để tạo sự giao tiếp đối với trẻ và cũng khiến cho trẻ có thói quen tư duy khi tiếp xúc với bất cứ vấn đề nào đó. Tránh chơi những trò chơi bạo lực”.

‘ Tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, giao lưu với bạn bè.


Gần đây, tivi 3D thông minh xuất hiện như một trào lưu mới tại thành thị và trẻ em đặc biệt yêu thích. Không khác gì một chiếc Ipad, hay điện thoại thông minh, tivi thông minh cũng có rất nhiều ứng dụng online hoặc được tải về. Phụ huynh cần chú ý kiểm soát các ứng dụng, các trò chơi phù hợp, lành mạnh đối với trẻ.

Chỉ nên cho trẻ trên 5 tuổi xem TV 3D, nếu bé quá nhỏ sẽ có tác động không tốt đến mắt. Cũng chỉ nên cho trẻ xem khoảng trên dưới 1 tiếng/ngày, phụ huynh cũng cần đặc biệt lưu ý đến độ tuổi của trẻ. Không nên cho trẻ xem trong môi trường quá tối. Về khoảng cách, có 1 nguyên tắc đơn giản là tối thiểu bằng 2 lần chiều rộng màn hình. Ví dụ TV 42 inch, trẻ nên xem cách 2m.

Các chuyên gia về y tế và điện tử sẽ tư vấn cho phụ huynh cách hướng dẫn trẻ sử dụng các thiết bị điện tử một cách cách hợp lý, khoa học, trong chuyên mục "Kỹ năng sống" chương trình "Cuộc sống thường ngày".

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước