Tuyển tập Văn học miền núi và dân tộc

Huyền Trang -Thứ tư, ngày 20/04/2011 10:55 GMT+7

Văn học hiện đại Việt Nam là một nền văn học thống nhất, đa dân tộc. Thể hiện điều này một cách rõ ràng nhất, có lẽ là ở sự có mặt của những tác phẩm văn học về miền núi và các dân tộc thiểu số.

Với hương sắc riêng, nhiều tác phẩm đã trở nên quen thuộc với bạn đọc, mảng văn học này đã có những đóng góp lớn vào thành tựu chung của nền văn học nước nhà.

“Em tắm suối giữa mường

Tắm trong mối yêu thương

Có anh đang đứng giữ

Chớ để Tây đến mường...”

Những câu thơ trong bài thơ “Em tắm” của nhà thơ dân tộc Thái Bạc Văn Ùi đã quen thuộc với nhiều người. Một không gian trong trẻo của suối, của núi, của rừng vương vấn mãi trong tâm trí.

Những bài thơ, truyện ngắn hay và đặc sắc như vậy đều có trong Tuyển tập Văn học miền núi và dân tộc. Về Văn học, đó là Tô Hoài với Vợ chồng A Phủ, là Ma Văn Kháng với Người thợ bạc ở phố cũ, là Nguyên Ngọc với Rừng xà nu, là Đỗ Bích Thúy với Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, là Nguyễn Tuân với Người lái đò sông Đà, Mã A Lềnh với Mo Chư... Về thơ, có Hồ Chí Minh với Cảnh rừng Pác Bó, Ngọc Anh với Bóng cây kơnia, Vương Anh với Lời tình lọ cọ, Xuân Diệu với SaPa, Inrasara với Tháp nắng, Lò Ngân Sủn với Vòng xoè... Có thể nói, gần 1.500 trang sách là ngàn lời mời gọi bạn đọc về với miền rừng núi, như về với một phần máu thịt của mình. Vẻ đẹp của con người và cảnh sắc Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên... cứ lặng lẽ toả hương sau mỗi trang sách, lôi cuốn người đọc chìm trong men say của núi rừng: những mái nhà rông cao vút, những hương dẻ e ấp, những gùi muối, những bắp nướng, những lưng đèo, tiếng đàn môi hay thác nước hùng vĩ, đám mây mùa xuân tình tứ... Có sống mãi ở thành phố, mới thấy khi đọc những tác phẩm này, bắt gặp những hình ảnh này, chúng ta như được tắm ở suối đầu nguồn trong mát, uống thứ nước đầu nguồn tinh khiết, như được say men một ngụm rượu nồng, chìm đắm trong hương rừng lịm ngọt.

“Câu Sli qua dốc ghập ghềnh

Va vào vách đá tan thành sao đêm

Câu Sli không phải em

Mà sao chén rượu cứ nghiêng bên này...”

Những câu thơ như một sự giãi bày về vẻ đẹp của xứ sở quê hương, về tình yêu, mà nhà thơ đã lẩy lên từ cái sóng sánh của câu Sli câu lượn.

Hay

“Cô gái người Mông

Thêu cả bốn mùa vào gấu váy

Vạt đằng trước thêu mùa nước chảy

Vạt đằng sau dùng dằng đi hội

Vạt bên phải thêu mùa nếp xôi

Vạt bên trái thêu mùa đào hé nụ...”

Tất cả những câu thơ ấy nhẹ nhàng bước vào tâm trí người đọc, suy nghĩ dường như cũng xúng xính theo bước chân, cảm xúc rạng rỡ tươi vui như sắc màu gấu váy...

Không chỉ có các tác giả người dân tộc, nhiều nhà thơ, nhà văn người Kinh đã đến với đồng bào, “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”, gắn bó và sống trong lòng đồng bào, để tặng bạn đọc những tác phẩm mang đậm hơi thở núi rừng,...Ngoài phần giới thiệu tác giả và tác phẩm, mỗi bài thơ, mỗi truyện ngắn còn có một phần lời bình, nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn về cái hay, cái đẹp của từng tác phẩm.

Tuyển tập như một chiếc túi thổ cẩm với những gam màu tươi tắn, rực rỡ, muôn hình, muôn vẻ muôn sắc muôn hương được thêu dệt bởi những bàn tay điêu luyện, như một bữa tiệc linh đình với những loại rượu quý được chưng cất từ nhiều vùng rừng núi, cao nguyên, hẻm xa, núi thẳm. Đọc để thấy khao khát được khám phá, được đi đến những miền xa, được sống với đồng bào cháy bỏng trong lòng, thêm yêu quê hương đất nước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước