Xin chữ - Cho chữ đầu năm hay Mua - Bán chữ?

Theo Hoài Hương/VOV-Chủ nhật, ngày 05/02/2017 19:46 GMT+7

VTV.vn - Phong tục đẹp vào thời đại hội nhập toàn cầu đã bị biến tướng, làm mất đi vẻ đẹp thiêng liêng của nó.

Đã qua rồi những năm khi xuân tới người ta lại ngậm ngùi nhắc tới "Ông Đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên. Hơn 10 năm nay, "mực tàu- giấy đỏ" và hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ đã trở thành quen thuộc và như trào lưu, xu hướng "hoài cổ", "phục dựng" một kiểu chơi xuân thời thượng...

Tục cho chữ ngày xuân đã có rất lâu đời ở Việt Nam. Nó không chỉ chứng tỏ về khát vọng vào tương lai của mọi người mà còn là một minh chứng cho việc tôn sư, trọng đạo, lấy nhân-nghĩa-đức-trí-tín để "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Khi văn minh phương Tây du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, những ông đồ Nho dần "mất giá" và bị thay thế bởi một lớp người Tây học dạy chữ quốc ngữ. Tục viết chữ, cho chữ hay xin chữ ngày xuân cũng dần mai một theo biến thiên lịch sử.

Từ nét đẹp truyền thống mùa xuân...

Bài thơ "Ông đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên hơn nửa thế kỷ trước, hoài niệm về một tập tục xưa, về một nếp văn hóa truyền thống Việt đã bị mai một bởi thời cuộc, ngậm ngùi thân phận những người "muôn năm cũ", đã làm cho bao nhiêu người Việt thương cảm thay thân phận ông đồ, lớn hơn là nỗi buồn mất mát một tập tục văn hóa đẹp của dân tộc.

Tưởng chừng như những ông đồ đã tuyệt tích, thế nhưng bước sang thế kỷ 21 này, khi kỹ thuật công nghệ cao đang dần làm thay đổi bộ mặt cuộc sống, khi thông tin chỉ còn tính trong khoảnh khắc của từng giây phút, khi những người trẻ được gọi là thế hệ @..., thì hình như tâm hồn người Việt lại hướng về những nét đẹp truyền thống dân tộc.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam ở Thăng Long - Hà Nội, được dựng từ thời Lý, có tuổi gần 1000 năm, hơn 10 năm trở lại đây, vào ngày đầu xuân, đã trở thành "Phố ông Đồ", nơi được nhiều người đến để xin chữ đầu năm mới...

Và không chỉ có ở "Thánh địa" Quốc Tử Giám Hà Nội, những "Phố ông Đồ" còn lan tỏa ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, ở các tụ điểm lễ hội vui xuân hay các đình - đền - chùa - miếu... Những chữ Phúc, Lộc, Tâm, Tài, Hòa, An, Lạc, Gia... thường được chọn nhiều nhất.

Nhưng theo một số ông đồ, những chữ được xin (theo xu hướng chữ đôi) nhiều trong năm Đinh Dậu là: An Khang, Khánh Thọ, Phúc Lợi, Đăng Khoa, Trí Thuận, Đại Chí …Đó cũng là khát vọng của mọi người về cuộc sống tự do, an lành hạnh phúc, công thành danh toại, thịnh vượng, vững bền... không chỉ cho mình, cho gia đình mà cho cả cộng đồng, cho dân tộc.

... Đến biến chữ Thánh thành hàng hóa

Ngày xưa, người cho chữ thường là một ông Đồ có học vị thấp nhất là Tú tài qua khoa cử được vua ban. Còn không thi cử thì cũng là một nhà nho hay chữ trong vùng, có đức độ và được kính trọng... Người đến xin chữ, thường được ông Đồ xem xét tâm tư nguyện vọng mà cho chữ thích hợp.

Chữ được ông Đồ viết ra bằng cả Trí - Khí - Thần - Lực và cả Tâm - Tầm của mình, nên ngoài ý nghĩa, chữ còn là một tác phẩm nghệ thuật thư pháp thực thụ. Vì thế gia chủ xem chữ xin được như một sự may mắn, phước, lộc trong năm mới nên mang về treo ở nơi trang trọng trong nhà.

Nhưng thời nay, người viết chữ, cho chữ không chỉ giới hạn ông đồ, mà đủ thành phần già - trẻ - gái - trai, Tây học - Ta học, cả nhà sư trong chùa, chưa kể mấy ông đồ "dỏm" ở các đình, đền, chùa... chỉ biết vẽ chữ, không biết viết chữ.

Trong số những ông đồ thời nay, nhiều ông đồ thứ thiệt, am hiểu cách thức viết chữ, am hiểu ý nghĩa sâu xa của chữ viết ra, có "thần", "lực", "khí" trong nét bút. Nhưng không hiếm có những ông đồ xem việc viết chữ như một cách kinh doanh kiếm tiền.

Cho dù để nâng tầm và chất lượng "chữ" nên những ông Đồ được phép viết chữ trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám phải qua sát hạch (ngày mùng 6 âm lịch chỉ có 7 ông Đồ viết chữ trong Văn Miếu), nhưng sự cách biệt "chữ" của các ông Đồ khá xa.

Có ông Đồ thuộc hàng "nghệ nhân" thư pháp có tuổi đời, tuổi nghề thụôc hàng "cổ lai hi", nhưng có ông Đồ trẻ U30- U40, bút  và lực đều non, chưa kể việc giải nghĩa của chữ cũng chưa thấu hiểu …

Ở Văn Miếu, để cho việc xin chữ được "linh" nên người xin chữ chỉ bỏ tiền mua giấy với giá quy định từ 100.000- 150.000 đồng. Còn bên hồ Văn, có ngót nghét trăm cụ Đồ, ông Đồ, anh Đồ, và cả cô Đồ ngồi trong những lều tre, và giá thì tùy theo từng người "định" cho chữ và giấy của mình, nhưng cũng không quá cao, như giá một chữ của ông Đồ hàng nghệ nhân cũng chỉ là 150.000 đồng...

Nhưng "trình" của các ông Đồ ở đây cũng có sự chênh lệch khá cao. Có những ông Đồ chỉ biết "chép" chữ, có sẵn một xấp chữ in sẵn, khách chỉ chữ nào thì cứ theo đó viết. Chữ viết theo lối đại tự mà nét mực ngắt quãng chỗ đậm chỗ nhạt, rồi dùng bút tô lại…

Một số nơi khác, như một sự kinh doanh theo "mùa", và chưa có cơ quan nào thẩm định "trình" mà đi đến các nơi lễ hội, đình, đền, chùa, miếu, phủ.. cũng thấy viết chữ-xin chữ, nói một cách thô thiển là bán-mua chữ. Hình như mọi người đua nhau xin chữ - mua chữ như đi sắm hàng Tết.

Người bán ra giá, người mua mặc cả, để rồi xem chữ như mớ rau, con cá trong thực đơn ngày Tết, không có không phải người sành điệu thưởng xuân.

Cần có văn hóa viết-cho-xin chữ?

Viết chữ-cho chữ-xin chữ ngày xuân là một phong tục đẹp, mang ý nghĩa văn hóa rất cao, biểu hiện cho ước mơ, hy vọng hướng tới chân-thiện-mỹ trong cuộc sống của con người. "Chữ" như một biểu tượng để con người theo đó sống đẹp.

Nhưng khi đã là hàng hóa thì nét đẹp của nó đã bị phôi pha, từ người viết chữ-cho chữ hay bán chữ đến người xin chữ-mua chữ. Phong tục đẹp vào thời đại hội nhập toàn cầu đã bị biến tướng, làm mất đi vẻ đẹp thiêng liêng của nó.

Người viết hiện tại hiếm có ai vì cái tâm mà viết chữ, họ viết là để kinh doanh chữ. Viết không cần tình mà cần tiền, còn người đi xin chữ, phần lớn xem như một thứ trang trí ngày Tết, ít hiểu được ý nghĩa cao quý của chữ, nên mới có chuyện khoe nhau chữ đắt, chữ rẻ.

Không hiếm cảnh các ông Đồ thời nay gò lưng viết chữ, không cảm xúc, thậm chí có ông Đồ trẻ còn không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của chữ nên viết máy móc cho đẹp.

Ở TP. HCM, "phố Ông Đồ" ở Nhà văn hóa Thanh niên, hay một số nơi khác, như một sự kinh doanh theo "mùa", và chưa có cơ quan nào thẩm định "trình" của các "ông Đồ" như ở Hà Nội. Thiết nghĩ sang năm tới cũng nên có một cuộc sát hạch nghiêm túc để nâng chất lượng chữ, cũng như tạo cho phong tục này mang tính văn hóa cao, chứ không như một kiểu kinh doanh.

Viết chữ-cho chữ-xin chữ là một phong tục văn hóa truyền thống đẹp, đã được khôi phục. Nhưng xin đừng để biến một nét đẹp văn hóa trong phong tục truyền thống ngày Tết thành một kiểu công nghệ, hoặc phong trào làm mất đi ý nghĩa đích thực.Viết chữ-cho chữ-xin chữ ngày xuân là một phong tục đẹp, mang ý nghĩa văn hóa rất cao, biểu hiện cho ước mơ, hy vọng hướng tới chân-thiện-mỹ trong cuộc sống của con người. "Chữ" như một biểu tượng để con người theo đó sống đẹp.

Nhưng khi đã là hàng hóa thì nét đẹp của nó đã bị phôi pha, từ người viết chữ-cho chữ hay bán chữ đến người xin chữ-mua chữ. Phong tục đẹp vào thời đại hội nhập toàn cầu đã bị biến tướng, làm mất đi vẻ đẹp thiêng liêng của nó.

Người viết hiện tại hiếm có ai vì cái tâm mà viết chữ, họ viết là để kinh doanh chữ. Viết không cần tình mà cần tiền, còn người đi xin chữ, phần lớn xem như một thứ trang trí ngày Tết, ít hiểu được ý nghĩa cao quý của chữ, nên mới có chuyện khoe nhau chữ đắt, chữ rẻ.

Không hiếm cảnh các ông Đồ thời nay gò lưng viết chữ, không cảm xúc, thậm chí có ông Đồ trẻ còn không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của chữ nên viết máy móc cho đẹp.

Viết chữ-cho chữ-xin chữ là một phong tục văn hóa truyền thống đẹp, đã được khôi phục. Nhưng xin đừng để biến một nét đẹp văn hóa trong phong tục truyền thống ngày Tết thành một kiểu công nghệ, hoặc phong trào làm mất đi ý nghĩa đích thực.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước