Ý nghĩa lễ Mộc Dục trong Đại lễ Phật đản

VTV8-Thứ tư, ngày 10/05/2017 15:58 GMT+7

VTV.vn - Lễ Mộc Dục (Tắm Phật) đã được trang trọng tổ chức vào chiều tối 14 Âm lịch (ngày 9/5) ở chùa Diệu Đế, mang nhiều ý nghĩa giáo dục nhân cách cao đẹp.

Ngôi cổ tự Diệu Đế luôn là nơi trang nghiêm tiến hành lễ Mộc Dục vào mỗi mùa Phật đản trên vùng đất Cố đô Huế. Chư tôn hòa thượng đại diện cho hàng vạn Phật tử tại tỉnh TT - Huế cung kính tiến hành nghi lễ Tắm Phật. Nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh nhằm mục đích tái hiện hình ảnh chư thiên tắm mát Đức Phật lúc Ngài vừa đản sinh. Việc tiến hành nghi thức Mộc Dục ngoài mục đích kỷ niệm Phật đản sinh còn mang ý nghĩa về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân - khẩu - ý của mỗi người khi tiến hành nghi lễ.

Dòng nước tinh khiết tắm lên tượng Phật sơ sinh cũng là dòng nước mát lành gột rửa thân tâm của mỗi người con Phật. Trong chuông trống bát nhã và lời cầu kinh trang nghiêm, mỗi Phật tử tự soi rọi lại bản thân mình để nỗ lực tu tập thân tâm cho tràn ngập niềm tin trong sáng và sự an lạc đích thực, lâu dài.

Tinh thần giải thoát của nhà Phật thấm đượm trong ý nghĩ và tâm hồn của mỗi Phật tử trong mùa Phật đản. Tắm Phật là dịp để nhìn lại tâm thức của mình qua từng suy nghĩ, lời nói và hành động. Trong xã hội, mỗi một người cần tự trang bị cho mình năng lực tự nhìn lại bản thân để đem lại cho cộng đồng sự an vui, hạnh phúc. Trải dài theo dòng lịch sử dân tộc, nghi thức Mộc Dục và Rước Phật trong ngày lễ Phật đản đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong xã hội Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước