Đi tìm bí ẩn "bùa ngải" xứ Mường… (Kỳ 1)

Nguyễn Văn Quân-Thứ hai, ngày 14/04/2014 08:36 GMT+7

"Nèm", theo tiếng Mường cổ có nghĩa là "bùa yêu bùa ngải". "Ông ấy biết nèm, bà ấy biết nèm" - người Mường, mỗi khi nói câu ấy để chỉ ai đó đều với một thái độ kính phục xen lẫn e dè.

Cũng theo như nếp nghĩ của người Mường từ bao đời nay, "nèm" có thể biến một đôi vợ chồng đang mặn nồng ân ái vẫn có thể chán ghét, ruồng rẫy nhau chỉ sau một vài phút "phù phép", hoặc cũng có những đôi vợ chồng đang đứng trước nguy cơ tan vỡ lại có thể chung sống hạnh phúc nếu có lòng thành kính để… nèm.

Nói tóm lại, nèm như một sức mạnh siêu hình để con người hướng đến khi mọi thứ, có thể xử lý bằng ý thức đã bó tay và nó như một cứu cánh cuối cùng bấu víu. Tôi đã có những tháng ngày lang thang tại những vùng đất mà người Mường gốc sinh sống như Tân Sơn, Thanh Sơn (Phú Thọ), Tân Lạc (Hòa Bình) để, dù chỉ một phần nào rất nhỏ thôi, tìm những giải mã về khái niệm đã tồn tại tự bao đời nay trong tâm thức và đời sống của cộng đồng những người dân vùng cao…

‘ Ông Hà Xuân Nhã đang làm thủ tục trước khi "Nèm" (ảnh Văn Quân)

Diện kiến kỳ nhân

Trong những ngày miền Bắc giữa xuân mưa phùn gió Bấc, khi vừa dừng chân và ăn cơm tại quán cơm Tân Ba (thị trấn Tân Sơn Phú Thọ) bà chủ quán vừa nhìn qua đã biết chúng tôi là những người khách vừa ở dưới xuôi lên. Với lí do vợ chồng không được thuận hòa cho lắm, tôi dò hỏi xem quanh đây liệu có "thầy" nào đủ "linh" để có thể giúp tôi tháo gỡ khó khăn đang gặp. Không ngần ngại, chị chủ quán tên Ba đã thống kê luôn, (trong phạm vi bản thân chị biết) thì thị trấn Tân Sơn có khoảng 5 thầy có khả năng làm nèm, ai cũng biết mặt biết tên và không ngày nào là không có khách dưới xuôi lên nhờ thầy "gỡ rối" một khó khăn nào đó.

"Ca" của tôi, theo chị là "nhẹ". "Vợ chồng hay căng thẳng xích mích nhau là chuyện bình thường và các thầy giải quyết đơn giản nhất. Có những người đã bị bệnh nặng tưởng chỉ chờ ngày "đi" mà thầy vẫn chữa khỏi được, hay có những chuyện như tôi biết, có cô gái hình thức ở dưới mức trung bình rất nhiều, mà vẫn có thể "nèm" được những đại gia tiền tỉ. Anh có đi buổi chiều lên tôi dẫn đi, chỉ cách đây một cây số thôi." Hóa ra người thầy đầu tiên mà bà chị Ba chủ quán cơm dẫn chúng tôi đi gặp lại là bác, họ đằng ngoại với mẹ chị. Ông là Hà Xuân Nhã ở khu 6 xóm Cá, TT Tân Sơn (Phú Thọ).

Ông Nhã là người Mường gốc, năm nay đã 77 tuôi những vẫn còn nhanh nhẹn dẻo dai. Bằng giọng nói chậm rãi và từ tốn của người đã có tuổi, ông Nhã bảo ông cũng vừa tiễn một vị khách ở dưới Hà Nội lên cảm ơn ông, "quà và tiền vẫn đây này, tôi đã kịp cất đi đâu". Ông Nhã nói rồi chỉ ra góc trái bàn, tôi thấy có bốn hộp sữa, hai cân đường và hai trăm nghìn. Cũng theo ông Nhã, đây là món quà "sộp" nhất mà ông từng được nhận khi trải qua bao năm hành nghề. Làm nghề này, quan trọng phải có cái tâm trong sáng và người thầy không bao giờ được đòi hỏi hay ra điều kiện gì cả, khách đến họ cho bao nhiêu thì tùy tâm, thường là hai mươi đến năm mươi nghìn, ông Nhã cho biết.

Vừa pha trà, ông Nhã vừa rỉ rả câu chuyện, rằng, người đàn ông vừa đến là bố của một cậu trai làm kinh doanh ở dưới Hà Nội. Trước ngày cưới, hai đứa sống rất hòa thuận và yêu thương nhau nhưng không hiểu sao, cưới về được đúng một ngày, cậu con trai mang toàn bộ chăn màn và tư trang ra ngoài thuê một phòng trọ riêng để ở. Không hề có bất kỳ một lí do nào, hết cách, ông bố đành lặn lội lên đây nhờ ông Nhã gỡ rối hộ. Ông Nhã nghe xong thủng thẳng bảo: chữa được, rồi dặn người bố ngày mai lên đây mang theo cho ông một cái áo của cô con dâu và một cái áo của cậu con trai còn mọi việc để ông lo liệu. Có được những vật cần có, ông mang ra một củ gừng (lấy ở đâu, có tác dụng gì không ai biết) chà chà vào áo từng người rồi hà hơi vào đó, vừa hà hơi vừa đọc khẩu quyết thần chú, khoảng mười lăm phút sau đưa lại cho người đàn ông bảo về cho các con mặc vào.

Cũng theo lời ông Nhã, chỉ một tuần sau, cậu con trai đã xách va li về đoàn tụ với bố mẹ và vợ và điều đó cũng chính là lí do để ngày hôm nay người cha mang đường sữa lên đây cảm ơn ông. Ngồi tỉ tê câu chuyện, ông Nhã cho biết ông bắt đầu học Nèm từ năm 22 tuổi, đó là vào năm 1958. Lí do thì hết sức bất ngờ, mùa xuân, đi xem múa Mỡi (một loại hình nghệ thuật của người Mường) với bạn bè thì nảy ra ý định học Nèm. Ông Nhã có hai vị sư phụ là bà Hà Thị Nghi và Hà Thị Tám (bà Tám là vợ hai của bố ông Nhã). Học Nèm đầu tiên phải có lòng thành tâm mà không được có bất kỳ sự đòi hỏi nào. Hàng năm bắt đầu từ mồng 1 cho đến mồng 10 tết, học trò cứ đến nhà để các vị sư phụ truyền dạy các khẩu quyết và cách thức Nèm. Đầu tiên phải nói được nguyên văn 10 câu thần chú mà không được sai một từ, cứ thế học trong vài năm thì có thể "hạ sơn" cứu nhân độ thế.

‘ Cộng đồng người Mường vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa xa xưa, trong đó có "Nèm"

Bản lĩnh cũng tùy vào sự lĩnh hội của từng người mà khác nhau, theo ông Nhã, ông chỉ ở mức… trung bình, làm được những việc đơn giản còn tuyệt kỹ, phải kể đến bà Lam ở Thu Cúc, ông Hà Văn Phin ở xóm Mùn, xã Dịch Giáo Tân Lạc (Hòa Bình) hay ông Minh xã Văn Sơn huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Nhưng ông cũng tự tin để nói rằng, bản thân ông từ lúc hành nghề cũng chưa bao giờ gặp phải sự thất bại. Quay trở lại với câu chuyện của tôi, tôi trình bày rằng vợ chồng đang không hạnh phúc và rất muốn nhờ ông có thể có cách nào đó giúp mình. Nghe xong câu chuyện ông Nhã bảo tôi ra ngoài giếng rửa mặt cho sạch, coi như một cử chỉ "tẩy trần" để chuẩn bị hành lễ.

Khi tôi vào đã thấy ông Nhã đốt ba cây nhang, lấy một đĩa trầu ba lá xẻ đôi thành sáu miếng cùng với hai quả cau đặt lên bàn thờ. Bằng một thái độ rất thành kính ông Nhã bảo đó là mình đang trình bày với các cụ tổ sư đã dạy mình (bà Hà Thị Nghi và bà Tám). Thay mặt người con trai (là tôi) trình bày với các sư tổ mục đích và gieo quẻ âm dương, nếu quẻ thành thì làm, còn nếu quẻ chưa thành thì phải để hôm khác vì hôm nay các cụ chưa ưng thuận. Sau một hồi đọc thần chú bằng tiếng Mường, ông Nhã cũng hà hơi xát gừng vào hai chiếc áo và bảo tôi về hai vợ chồng cùng mặc, cũng đừng nói với vợ hoặc với ai, cứ để mọi việc diễn ra bình thường, sau một thời gian sẽ thấy hiệu nghiệm. Với sức mạnh thần bí của Nèm, ông Nhã cho biết thêm, người biết làm công việc này có thể làm cho hai người hoặc hai gia đình, hai dòng họ đang hòa thuận có thể xung đột và căng thẳng với nhau, hoặc hai vợ chồng đang mặn nồng có thể sau một ngày đã tan đàn xẻ nghẻ…

Những điều này đã có "đồng nghiệp" của ông làm nhưng ông thì dứt khoát không nhận lời bởi đó là điều thất đức và người làm sẽ gặp quả báo nặng hoặc bị tội lớn khi đi gặp các vị tổ sư dưới suối vàng. Ông Nhã chỉ làm những điều thiện. Ví như cách đây không lâu, cũng tại khu 6 thị trấn Tân Sơn, có hai gia đình luôn xích mích nhau và người vợ của một người trong hai gia đình đó đã bí mật đến nhờ ông. Ông Nhã bảo ông vẫn làm những thủ tục như cũ nhưng lần này có thêm một cốc nước và người phụ nữ đó bí mật về đổ xuống giếng của láng giềng, chỉ một thời gian sau, hai gia đình đã hòa thuận yên ấm như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Hay như chuyện ông Bùi Văn Chúc cũng ở Tân Sơn có tật uống rượu vào hay cãi nhau to tiếng với anh em, ông Nhã đến, chỉ sau vài thủ tục cơ bản nhưng lần này lại mang một ít muối và rượu đổ lẫn vào hũ muối, chum rượu và ông Chúc thường dùng và như lời khẳng định của ông, đã lâu rồi, có nhiều cuộc rượu ông cũng tham gia nhưng chưa thấy lần nào ông Chúc "quậy" như ngày trước…

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước