Đi tìm bí ẩn "bùa ngải" xứ Mường (Kỳ 2)

Nguyễn Văn Quân-Thứ hai, ngày 14/04/2014 08:35 GMT+7

Với người Mường, “Nèm” như một tín ngưỡng chứa đựng nhiều sự kỳ bí. Nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng thừa nhận, “Nèm” đã tồn tồn tại trong đời sống dân gian từ rất nhiều năm, rất cần sự nghiên cứu, giải mã…

‘ Trước khi "Nèm", ông Hà Xuân Nhã rất thành tâm và cẩn thận (ảnh Văn Quân)

Đi tìm lời giải

Quay trở lại với những ngày tôi đi “Nèm”, trên đường trở về, chị Tân Ba, chủ quán cơm ngay sát thị trấn Tân Sơn (Phú Thọ), người đã giúp chúng tôi tiếp cận "vua" Nèm Hà Xuân Nhã đã không ngần ngại nói rằng, với người Mường, Nèm chiếm một phần vô cùng quan trọng trong đời sống của họ. Nhưng chị cũng bảo, làm nghề này người thầy phải luôn giữ được chữ tâm trong sáng nếu không sẽ bị quả báo nặng.

Rồi chị kể cách đây không lâu, ở khu 4 TT Tân Sơn có thầy Hà Văn T, có cô con gái đến tuổi lấy chồng nhưng với hình thức trung bình nên vẫn chưa tìm đâu bến đậu. Ông Hà Văn T đã quyết định "nèm" cho con gái mình với một người đàn ông trung niên giàu có làm nghề xây dựng dù anh ta đã có gia đình. Vậy là dù vợ anh ta, thậm chí cả con trai anh ta đã dùng mọi hình thức dọa nạt và ngăn cản nhưng hai người vẫn thường xuyên đi lại theo kiểu "già nhân ngãi, non vợ chồng". Một thời gian sau ông T mất, cuộc đời cô con gái cũng từ đó bám chặt với người đàn ông có vợ kia. Vì cũng theo quan niệm duy tâm đã tồn tại từ bao đời, thầy nào nèm thì đích thân phải thầy đó "giải" mới có hiệu nghiệm. Anh ta mua xe, xây nhà và chu cấp tiền cho cô gái sống sung sướng nhưng cũng chính vì vậy mà cuộc sống gia đình luôn lục đục, bất hòa.

‘ Ngôi đền người dân Phú Thọ rất coi trọng

Chị Tân Ba bảo đó là việc làm không có đức và chính chị cùng rất nhiều người ở thị trấn đã chứng kiến, sau mấy năm chôn cất nhưng đến ngày cất mả, thi thể của thầy Hà Văn T vẫn tươi nguyên như ngày mới chôn cất, gia đình lại phải chôn lại và cũng chưa biết ngày nào có thể cất mả được. Chuyện gần chuyện xa, chị Tân Ba mặn chuyện tiết lộ luôn chuyện gia đình của chính mình. Thằng con trai nhà chị, sinh năm 1988, vừa lấy vợ được nửa năm, trong một chuyến đi làm ăn xa thì bị công an Sơn La bắt vì tội vận chuyển ma túy. Khi nghe tin, một mình chị lặn lội lên tận Thu Cúc gặp bà Quành Thị Lam nhờ bà có cách gì đó để nèm giúp đỡ con trai chị. Không biết bằng cách nào, bà Lam đã “nèm” thành công vì khi vừa đến trại tạm giam chị đã được vào thăm con ngay (thường là lúc đó phạm nhân vẫn không được gặp gỡ người thân hay gia đình) và cũng thật hi hữu, với số lượng ma túy không nhỏ nhưng pháp luật chỉ xử con chị với mức năm tù. Chỉ bằng nửa số năm, nếu bình thường các phạm nhân vướng vào khung hình phạt đó.

Chị Tân Ba bảo nếu không được bà Lam thương tình Nèm cho, có lẽ trong mơ chị cũng không ngờ gia đình mình lại gặp may mắn như vậy. Rồi chị cũng kể, hàng tháng chị và con dâu Nguyễn Thị Hồng Nhung đều đặn lên trại thăm cậu con, trước khi đi, lúc thì chị nhờ ông Nhã, lúc thì nhờ bà Lam nèm để… con trai chị trong trại được sống an toàn, không bệnh tật và quan trọng là không bị… các bạn tù đánh đập. Điều này hiệu nghiệm đến mức, cứ như tháng nào chị bận quá không lên được, thì thằng con trai không bị vạ nọ cũng tật kia, còn không, ở trại giam mà của đáng tội, béo trắng ra từng ngày. Cách các thầy nèm cũng đơn giản, chỉ hà hơi xát muối vào những chiếc khăn mặt cho thằng con trai hàng sáng rửa mặt thì trong cả tháng đó bình an tuyệt đối.

Quay trở lại với câu chuyện của mình, tôi không biết sau lần "đi Nèm" này thì vợ chồng tôi có thêm hạnh phúc hơn không nhưng những gì được nghe, được thấy cũng như biết được sự thành kính của bà con đối với Nèm thì quả thực trong lòng cũng không khỏi những xôn xao. Lại kỳ lạ nữa, trao đổi điều này với nhà văn hóa Nguyễn Hữu Nhàn, nhà văn cả đời gắn với văn hóa đất Tổ thì "cụ" cũng bảo, chẳng thể đùa được, Nèm là có thật đấy, còn nó hiệu quả bao nhiêu phần trăm? những ai có cơ duyên để Nèm thành công?... thì cụ chưa biết nhưng về cơ bản thì nó là một nét văn hóa tâm linh rất đáng để tìm hiểu và tôn trọng.

Nhà văn còn kể lại tích cũ, rằng trong "Cổ sử Việt Nam" của Đào Duy Anh cũng nói đến Hùng Vương như một vị tù trưởng nhiều quyền năng và pháp thuật, có thể quy tụ, lãnh đạo quần chúng cũng như giữ vững đất đai của bộ lạc mình. Mà đây lại là vùng đất gốc, in đậm phong tục tập quán, lễ nghi tín ngưỡng, chế độ thổ tù lang đạo, ruộng đất nhà lang của thời xửa xưa đó. Nguyễn Hữu Nhàn cũng giải thích thêm, pháp thuật thần bí của người Lạc Việt mà sử sách thời Trang Vương bên Tàu gọi là phương thuật hay Việt phương nay còn sót lại ở xứ Mường chính là nèm, là chài, là bùa ngải bùa yêu ….

Kết

Dù muốn dù không thì Nèm, hay còn gọi là bùa yêu bùa ngải đã tồn tại một cách lâu đời và mặc định trong cộng đồng bà con người Mường tự hàng nghìn năm nay và để tìm rõ bản chất của nó cũng không phải một sớm một chiều có thể tìm ra lời giải. Nhưng nói như nhà văn hóa Nguyễn Hữu Nhàn, chính vì Nèm sống được đến ngày hôm nay thì chứng tỏ bản thân nó phải chứa đựng một sức mạnh và bí ẩn kỳ diệu nào đó. Điều này, rất mong một ngày nào đó, sẽ được các tổ chức, các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa mổ xẻ và giải mã…

Box: Ông Trần Duy Thái, Trưởng phòng VH - TT và DL huyện Tân Sơn (Phú Thọ): "Bản thân tôi tin chuyện Nèm là hoàn toàn có thật. Ngay tại cơ quan tôi cũng có một nhân viên quê ở Phù Yên Sơn La mà người nhà của cậu ấy có thể làm được Nèm. Nèm thường chia làm hai loại, cứ tạm gọi là "tốt" và "xấu" nhưng dân gian vẫn thường ủng hộ những người làm nèm mà mang lại điều tốt điều hay cho người khác và ngược lại lên án những ai nèm để đem lại tai họa, điều không lành cho bà con nhân dân. Tôi nghĩ rằng đây là một nét văn hóa rất đáng quý và cần được bảo lưu, gìn giữ và phát triển. Rất mong thời gian tới, những tổ chức nghiên cứu văn hóa sẽ lưu tâm và có những công trình bài bản để tìm hiểu về nét văn hóa cổ xưa của người Mường này".

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước