Ferdo kể chuyện lên núi Việt

Văn Quân-Thứ hai, ngày 06/01/2014 15:09 GMT+7

Đã mấy năm rồi, bà con dân tộc Dao thuộc xã Vũ Linh huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái quen với hình ảnh một gã tây khổng lồ say mê học tiếng Dao, trồng rừng, cây ăn quả, dạy bà con học tiếng Anh và dạy bà con cách làm du lịch dựa vào cảnh đẹp của hồ Thác Bà.

‘ Ferdo làm hướng dẫn viên du lịch tại các bản làng Tây Bắc

Tuổi thơ “xê dịch”

Fredo dẫn chúng tôi ra ven bờ hồ Thác Bà, mắt anh cứ đăm đăm nhìn con nước lớn. Lặng thinh hồi lâu, Ferdo mới mở lời về cuộc đời mình, bắt đầu từ tuổi thơ êm đềm ở thủ đô Pari. Gã nói, ở Pari gia đình anh sống rất hạnh phúc trong một ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Seine thơ mộng. Nhưng nhanh chóng trở thành kẻ mồ côi chỉ vài năm sau đó vì cha mẹ mất trong một vụ tai nạn. Từ đó Ferdo sống với tình yêu thương đùm bọc của bà ngoại và cùng bà đi chu du khắp nước Pháp.

Cái thói quen được đi đến những miền đất lạ lâu dần trở thành bản chất của con người anh, từ đó, Ferdo nảy sinh ý định chu du khắp thế giới. Sau những năm dài phiêu bạt gã cùng bà ngoại quay về sống ở một nông trại thuộc miền tây nước Pháp. Ferdo còn nhớ, nông trại của gia đình bà ngoại thật đẹp, nằm cạnh bìa rừng và ở đó có một dòng sông nhỏ. Hàng ngày, anh thường rong thuyền trên sông và thả mình vào bầu không khí trong lành, mát rượi. Ở đây, anh được bà ngoại chiều chuộng, mỗi buổi sáng bà ngoại thường vuốt ve xoa đầu Ferdo, rồi đi vắt sữ dê làm bánh cho anh ăn…

Tuổi thơ của anh cứ như vậy, êm đềm trôi qua cho đến khi học xong trung học. Anh nhớ như in cuộc sống vất vả nhưng đầy yêu thương mà mình đã trải qua. Khi đó, kinh tế gia đình trở nên kém đi vì dịch bệnh cướp mất đàn gia súc là nguồn thu chính của gia đình. Ferdo buộc phải thôi học để giúp đỡ bà ngoại cùng các anh em của mình chăm lo cuộc sống. Anh sống ở miền tây êm đềm cùng bà ngoại và các anh em của mình bằng nghề nông nghiệp. Đến năm 35 tuổi, bỗng dưng trong anh nảy sinh những cảm xúc thời thơ ấu, anh muốn đi khắp trái đất, để khám phá những vùng đất mới, vậy là anh lại phiêu lưu với những ý tưởng của một người mơ mộng hiếm thấy ở nước Pháp, trong khi cả gia tài cho vạn dặm của anh là chiếc ba lô với một số đồ dùng vừa đủ và một ít tiền.

Bám trụ ở Việt Nam

Năm 1994 Ferdo bắt đầu lên kế hoạch cho một chuyến chu du dài ngày đến một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapo… rồi khi đến Việt Nam thì cũng là lúc trong túi cạn tiền. Anh hốt hoảng vì không đủ tiền để quay về nước Pháp. Lúc đó, trong ví Ferdo còn đủ tiền để thuê một căn phòng nhỏ nằm bên bờ sông Hồng đoạn qua quận Long Biên, thêm tiền chi phí cho một khóa học tiếng Việt, và tiền mua một chiếc xe minsk trị giá 5 triệu đồng. Vậy là hết, anh phải loay hoay kiếm tiền, dành dụm từng đồng ở lại Việt Nam để mưu sinh.

Mùa thu năm 1994 Ferdo đi khắp các miền quê thuộc các tỉnh phía bắc Việt Nam để du ngoạn. Anh phát hiện ra đất nước Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp, và sự phát hiện đó đã giúp ích cho Ferdo sau này. Lúc hết tiền, anh nghĩ đến những lần đi du lịch bụi và nảy sinh ý định làm du lịch để kiếm tiền sinh sống. Anh đi in những mảnh giấy quảng cáo du lịch bụi bằng xe máy và dán ở những nơi khách nước ngoài thường qua lại.

Trong tờ quảng cáo đó, anh viết đến mấy thứ tiếng, từ tiếng Việt, Pháp, Anh… nếu ai có nhu cầu du lịch Việt Nam thì cứ gọi điện thoại cho anh. Không ngờ, việc kinh doanh này mang lại cho Ferdo một khoản lời kha khá. Những người nước ngoài khi đến Việt Nam đọc được tờ giấy quảng cáo liền gọi cho anh, vậy là khách phải đổ xăng, nhớt vào chiếc xe minsk cà tàng rồi yên trí theo anh đi khắp các tỉnh miền bắc. Cứ mỗi chuyến chở khách du lịch phượt như vậy anh có lãi tầm vài trăm cho đến vài triệu đồng, tùy vào thời gian và quãng đường mà Ferdo đưa đi.

Thậm chí, khách yêu cầu anh dẫn đến một vùng nào đó chưa biết anh cũng... “chơi luôn”, vì sau ba tháng học tiếng Việt khả năng giao tiếp của Ferdo đã đủ dùng để hỏi han đường xá và đếm tiền không thiếu một xu. Ferdo nói: Những ngày đầu tiên ở Việt Nam vất vả lắm! Ngày đầu mới vào nghề phải ăn mì con tôm để sống qua ngày, có đợt khách du lịch thấy thương quá nên cho ăn cùng. Khoảng nửa năm sau thì tình hình được cải thiện anh mới tiết kiệm được một tí. Ở Việt Nam khách du lịch đến tham quan nhiều nên công việc, làm ăn cũng khá suôn sẻ.

‘ Ferdo như một người Dao thực thụ

Thành nghiệp nhờ… cảnh sát

Chỉ một lần tình cờ bị cảnh sát Việt Nam bắt vì đi xe máy không có bằng mà Ferdo đã có được cả một cơ nghiệp. Đó là năm 1997, một lần đưa khách du lịch phượt Hà Giang thì bị cảnh sát giao thông bắt phạt vì tội lái xe không có giấy tờ đầy đủ. Ferdo liền giải thích về công việc của mình, anh cảnh sát nói là muốn làm được nghề này thì phải mở công ty du lịch, phải xin phép, được Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép thì sẽ không phải chạy vất vả như vậy nữa. Một thời gian sau, Ferdo nghe theo lời anh cảnh sát và xin Nhà nước Việt Nam cho mở một công ty du lịch chuyên tổ chức những chuyến tham quan cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Ferdo nói: Để làm ăn khấm khá được như ngày hôm nay anh phải cảm ơn anh cảnh sát đã chỉ đường vạch lối cho mình, chỉ tiếc là đến nay anh không tìm lại được người đó để nói một lời cảm ơn. Năm 2005 khi đến Yên Bái, Ferdo lang thang đến Hồ Thác Bà và bất ngờ thấy nơi đây phong cảnh thật đẹp, hồ nước rộng lớn. Ferdo bỗng nhớ quê hương miền tây nước Pháp vô cùng, ở đó anh thường bơi lặn trên một con sông, thường vào rừng lấy củi làm nguyên liệu đốt cho mùa đông băng giá, anh cũng thường đi hái quả trong nông trại của mình để bán về Pari…

“Cuộc đời của tôi luôn gắn liền bên những con nước. Ngày ở Paris gia đình tôi sống bên dòng sông Seine, nông trại ở miền tây cũng nằm bên một dòng sông nhỏ và một cái hồ. Sang Việt Nam tôi ở trọ bên bờ sông Hồng là nhắc mình luôn nhớ đến bà ngoại và các anh em của mình ở miền tây… Khi thấy phong cảnh ở Yên Bình tôi nhớ quê hương nước Pháp và những ngày tháng long đong” – Ferdo Bình kể lại. Ferdo ở lại Yên Bình và sống với bà con dân tộc Dao một tuần, bà con nơi đây dạy anh nói tiếng dao, dạy dệt vải, dạy hát tiếng người Dao…

Điều này khiến anh càng thấy thú vị. Năm 2007 anh thuê được một mảnh vườn của một gia đình người Dao nằm ngay bên hồ Thác Bà, cả khu vườn anh trông toàn cây ăn quả, công việc này cũng giống như ở miền tây nước Pháp mà anh đã từng làm. Mỗi tháng anh vẫn tiếp tục với công việc làm du lịch của mình, mỗi khi có khách hay những người bạn Việt Nam đến anh thường dẫn về Yên Bình và khoe ngôi nhà sàn mới tậu được cùng vườn cây ăn quả mới trồng. Ferdo còn hướng dẫn cho các bạn của mình nói tiếng người Dao, uống rượu gạo và hát những bài dân ca bằng tiếng Dao…Năm nay đã ngoài 50 tuổi, Ferdo chỉ còn ước ao về thăm lại quê hương miền tây nước Pháp, thăm lại Pari phồn hoa mà gần 20 năm lang bạt anh chưa về. Mỗi khi nhớ quê, anh thường ra vườn cây ăn quả cạnh con nước Thác Bà nhìn về nơi xa xăm nào đó. Anh nhớ bà ngoại và các anh em của mình, nhớ lắm!

Ferdo nói rằng, sau khi về thăm nước Pháp, anh sẽ quay lại Việt Nam, mảnh đất này với anh đã là máu thịt rồi, ở Việt Nam, anh có vợ và hai con đang ăn học, anh muốn tuổi già của mình sẽ được sống trong cảnh bình yên và không khí của một làng quê Việt. Vài hôm nữa Ferdo sẽ được cấp quốc tịch Việt Nam, được người Dao làm lễ cấp sắc… Với anh, như thế là đủ.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước