Huế: Du lịch tâm linh - tiềm năng chưa trở thành thế mạnh

Vĩnh Yên-Thứ tư, ngày 07/08/2013 11:00 GMT+7

Huế là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, với hệ thống chùa chiền dày đặc, nhiều chùa được liệt vào hàng quốc tự. Tuy nhiên, tiềm năng về du lịch văn hóa tâm linh vẫn chưa trở thành thế mạnh, góp phần phát triển KT–XH của thành phố.

Không chỉ có hệ thống chùa chiền dày đặc, văn hóa Phật giáo tại Huế còn được biết đến bởi các nghi lễ phật giáo được bảo lưu khá nguyên vẹn, với không ít lễ hội Phật giáo và các lễ hội mang màu sắc tâm linh riêng có tại Huế.

Bên cạnh đó, Huế là một trong những trung tâm văn hóa du lịch lớn của cả nước, với những thế mạnh về du lịch di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng rất nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp.

Vào dịp tháng Tư âm lịch, Huế lại rộn ràng và tưng bừng hơn trong sắc màu của mùa Phật Đản. Các hoạt động kỷ niệm ngày Đản sanh diễn ra trong suốt 1 tuần. Kế đến là lễ hội Quan thế âm Bồ tát, thường được tổ chức trong 2 ngày 18 – 19/6 âm lịch tại núi Tứ Tượng, lễ Vu Lan – rằm tháng 7. . . Các lễ hội này thu hút hàng vạn tín đồ Phật giáo, khách thập phương đến Huế hành hương, chiêm bái.

‘ Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Một khách hành hương tại Lễ hội Quan thế âm Bồ tát cho biết: “Tôi đến đây chiêm bái cầu mong cho đất nước hòa bình, thịnh vượng, đứng trước Phật đài thấy tâm mình tĩnh lại, đạo đức quay về”.

Có thể nói, Huế rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh như Trung tâm văn hóa Huyền Trân - nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân, Trung tâm văn hóa Phật đài Quan thế âm Bồ Tát, Thiền viện Trúc Lâm ở hồ Truồi, hay trong thời gian tới là Bạch Vân tự sẽ được xây dựng tại vườn quốc gia Bạch Mã.

Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Huế đã có trên 150 chùa lớn nhỏ, trong đó có rất nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng như Linh Mụ, Diệu Dế, Từ Đàm. . .

Nơi đây, các nghi lễ phật giáo được bảo lưu khá nguyên vẹn, với không ít lễ hội Phật giáo và các lễ hội mang màu sắc tâm linh riêng có tại Huế, như Lễ hội điện Hòn Chén - nơi thờ Thánh mẫu, tập tục cúng âm hồn, tưởng nhớ hàng ngàn đồng bào tử nạn và chiến sĩ trận vong, trong biến cố lịch sử 23/5 âm lịch năm 1885, khi thực dân Pháp đánh chiếm kinh thành Huế. . . Nếu được tổ chức tốt, các lễ hội trên hoàn toàn có thể trở thành những điểm nhấn, hấp dẫn du khách.

‘ Chùa Thiên Mụ.

Thượng tọa Thích Huệ Phước, Phó trưởng ban trị sự, kiêm Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh TT-Huế cho biết: “Chúng tôi nhận thấy đây là vốn quý của Huế để có thể phát triển du lịch văn hóa tâm linh, Phật giáo đề cao việc có thể góp phần vào phát triển kinh tế và đời sống của người dân địa phương”.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Chúng tôi nghĩ, để phát triển du lịch văn hóa tâm kinh trước tiên các cơ quan chức năng cũng như những nhà chuyên môn cần ngồi lại để đánh giá các giá trị này một cách chân xác nhất và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về cơ chế quản lý. Sao cho, du khách đến với các điểm du lịch văn hóa tâm linh được thuận lợi nhất”.

Nếu tiềm năng này được liên kết, tổ chức, khai thác tốt thì nguồn thu từ việc ăn, ở, đi lại, mua sắm của hàng vạn người hành hương đến với lễ hội, sẽ là khoản thu không nhỏ cho ngành du lịch - dịch vụ của Thừa Thiên Huế. Du khách gần xa sẽ biết thêm về Huế ở một khía cạnh khác, với một chiều sâu văn hóa tâm linh hết sức đặc sắc.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước