Huyền thoại vùng mỹ nữ trên đất Tổ (kỳ 1)

Nguyễn Văn Quân-Thứ hai, ngày 10/02/2014 15:23 GMT+7

Không biết có phải là vùng đất tổ hay không nhưng từ lâu lắm, Phú Thọ biết đến như một vùng đất với nhiều huyền thoại về những giai nhân mỹ nữ. Người già xứ này bảo, nếu so về gái đẹp, không thể không nhắc tới câu nói có từ thuở xa xưa: "Nhất Luông, nhì Cốc, tam Hiền".

Một ngày cuối đông giá lạnh, chúng tôi tìm về Văn Luông (Tân Sơn - Phú Thọ), vùng đất được mệnh danh là đệ nhất mỹ nữ vùng đất tổ…

‘ Nụ cười thiếu nữ Văn Luông trong lao động

Hoa của đất

Xã Văn Luông là tên mới, còn gọi cho đúng phải là Chiềng Luông - ông Hà Ngọc Lan, năm nay đã gần 80 tuổi và là người có nhiều năm liền làm Chủ tịch xã nói với chúng tôi. Cũng theo ông Lan, tiếng Mường "chiềng" có nghĩa như một đơn vị hành chính và nơi tập trung dân cư đông đúc, kinh tế văn hóa xã hội phát triển. Những mỹ nữ Văn Luông thì có lẽ ở đất này không ai hiểu bằng ông Lan. Sở dĩ nói được điều ấy bởi ông, người đã có một khoảng thời gian lâu nhất (trên 40 năm) gắn bó với các hoạt động của làng xã và cũng đặc biệt hơn, thời trai trẻ, Hà Ngọc Lan cũng chính là chàng trai đã chinh phục được người vợ Văn Luông nổi tiếng nhan sắc khắp làng trên xóm dưới.

"Trước đây, khi tôi còn bé đã được người già kể lại rằng, mấy trăm năm trước Chiềng Luông là quê hương của một vị quan rất to ở triều đình. Ông lấy nhiều vợ, sau một thời gian làm việc cho triều đình, vì chán thời cuộc nhiễu nhưỡng, ông chuyển hết dinh thự vợ con về quê sống cuộc đời ẩn dật. Ngày đi săn, tối thưởng rượu. Nghe đâu, vị quan đó đã chết trong một lần đi săn hổ. Vợ con cũng từ đấy mà tứ tán. Chuyện đó bây giờ ở Văn Luông, nhà báo hỏi một số người già chắc họ vẫn còn nhắc nhớ". Ông Lan cũng bảo thêm, trong thần tích của làng còn truyền lại, Chiềng Luông, cũng đã có thời gian được các thầy phù thủy chọn làm đất đế đô khi triều đinh hạ lệnh cho bà con dân bản trong một đêm, nếu đào được một trăm chiếc giếng thì sẽ được chọn nơi ấy làm kinh thành. Gà gáy sáng, dân làng cũng chỉ cố hoàn thành được chín chín chiếc giếng sâu.

Chuyện trở thành đất kinh kỳ không thành hiện thực nhưng cũng từ đấy, với những chiếc giếng đã đào được, dân làng vô tình có được một nguồn nước tinh khiết vô cùng. Ăn uống sinh hoạt tất thảy đều sử dụng nước giếng, quanh năm suốt tháng tịnh không gặp phải một thứ bệnh tật gì. Ông Lan bảo, bây giờ cuộc sống thay đổi, dấu tích xưa còn mất như nào ông không rõ nhưng cuộc đời ông, ông đã tận mắt chứng kiến và sử dụng nước ở một chiếc giếng đào mà độ sâu của nó, phải chín dây cày mới chạm mắt nước. "Ở đâu có nhan sắc ở đó càng lắm chuyện buồn thôi"- Nhấp một chén rượu ngâm từ rễ cây rừng, ông Lan ề à, nói một câu chiêm nghiệm của người già. Ông kể về lệ làng ngày trước, truyền từ ngàn năm, rằng cứ xuân thu nhị kỳ, dân Chiềng Luông đều phải tuyển các mỹ nữ để vào cung tiến cúng.

‘ Thiếu nữ Văn Luông

Lại có chuyện… rất bi hài rằng, gia đình nọ, có hai mẹ con nhan sắc đều diễm lệ, quan về tuyển, chẳng biết chọn ai đành chỉ điểm cả hai để vào cung. Tối hôm đó, hai mẹ con đã đóng giả nam, được sự giúp đỡ của dân làng đã chạy trốn lên Thu Cúc, cách đấy gần một trăm cây số đường rừng để nương náu. Chuyện huyền tích hư thực ông Lan cũng chỉ là người được nghe kể lại nhưng chuyện hàng ngàn năm trước, thời Đông Hán bên Tàu đã sang Chiềng Luông cướp vợ thì tôi đã được nhà nghiên cứu văn hóa Mường Trần Hữu Nhàn kể lại. Ông Nhàn là nhà văn hóa đã dành hết cả cuộc đời để nghiên cứu về đất và người Phú Thọ, đặc biệt là gốc tích và văn hóa của người Mường Phú Thọ.

Trước khi lên Tân Sơn, ông Nhàn đã dặn đi dặn lại tôi nên cố gắng về Văn Luông và Xuân Đài, hai vùng đất rất gần nhau mà cách đây không lâu, những nhà nghiên cứu văn hóa đã tìm được những di chỉ khảo cổ chứng minh, thời Đông Hán bên Trung Quốc đã đặt chân đến đất này và để lại những dấu ấn vô cùng sâu đậm.

Nhà văn hóa Trần Hữu Nhàn cũng kể thêm rằng, sự tích 99 chiếc giếng ông đã từng nghe, thậm chí thời đó, vì phát hiện ra đây là vùng đất linh, những thầy bùa phương Bắc còn cất công lặn lội sang xứ rừng xanh núi đỏ của nước Việt phương Nam để "phán" rằng, sự xuất hiện của những chiếc giếng là có hại, nếu lấp đi những chiếc giếng đó thì con gái vùng này càng xinh đẹp và tuổi thọ của người dân sẽ còn cao hơn nữa. Lời của thầy phủ thủy bán tín bán nghi nhưng nghe vậy, cũng có một số người đã chủ động đi lấp những chiếc giếng mà thời trước các bậc tiền nhân đã làm ra, điều đó cho đến nay, không chỉ với ông Nhàn, ông Hà Ngọc Lan mà thậm chí đến vị Phó Chủ tịch xã Văn Luông Tân Khải Hồng, người đã không ngại khó khăn, đội mưa phùn gió bấc thập thững cùng tôi suốt mấy ngày ở Văn Luông cũng cảm thấy nuối tiếc…

(còn tiếp)

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước