Huyền thoại vùng mỹ nữ trên đất Tổ (kỳ 2)

Nguyễn Văn Quân-Thứ tư, ngày 12/02/2014 14:27 GMT+7

Người được coi như "trưởng bản" của Văn Luông, ông Hà Ngọc Lan đã nói một câu rất chí lí rằng, sự bí ẩn của vùng đất nào đều có những lí do riêng mà chỉ con người ở đất ấy có thế hiểu được, và vẻ đẹp của phụ nữ Văn Luông cũng như vậy.

Giải mã vùng đất mỹ nhân

Cũng phải xin nói thêm một chút về người bạn vong niên đã cùng tôi đội nắng gió mấy ngày liền ở vùng đất bán sơn địa này là Phó Chủ tịch xã Tân Khải Hồng. Người đàn ông có cái tên rất lạ này hóa ra là… người Hà Nội. Nói đúng hơn, trong giấy khai sinh của ông, phần nguyên quán có ghi, nơi sinh: Hà Nội. Ông Hồng bảo những người có liên quan đến Hà Nội, hoặc đại loại liên quan đến phố phường, hay… người thành phố thì ở Văn Luông đếm cả ngày cũng chưa hết. Sau này tìm hiểu, chính ông cũng cho rằng đó cũng là một trong nhiều lí do để có thể "giải mã" sự xinh đẹp của con gái Văn Luông.

Ông cho rằng, nét tài hoa thanh lịch của người thành phố đã có dịp phối ngẫu rất tự nhiên với sự hoang sơ hồn nhiên của các sơn nữ vùng bán sơn địa cách đây mấy chục năm khi Văn Luông trở thành một địa chỉ sơ tán của người Hà Nội thời kỳ chiến tranh. Ngồi nói chuyện với Phó Chủ tịch xã Tân Khải Hồng mới vỡ lẽ ra, ông chính là con đẻ của nhà văn Sao Mai. Chuyện nhà văn đã có hai bà vợ (sống rất hạnh phúc hòa thuận) dưới Hà Nội, trong một lần lên Văn Luông, xiêu lòng trước vẻ đẹp của người đất này đã… cưới thêm người vợ thứ ba rồi ở miết luôn không về phố nữa của cố nhà văn Sao Mai đã có quá nhiều người nói đến, thiết nghĩ chẳng cần kể lại.

Nhưng khi tôi có dịp ngồi với Chủ tịch UBND xã Văn Luông Đỗ Thị Liên, chính nữ Chủ tịch xã này cũng đã "bật mí" rằng, cho đến bây giờ vợ của Phó Chủ tịch xã Tân Khải Hồng vẫn nổi tiếng bởi một thời hương sắc. Cũng rất bất ngờ, Chủ tịch xã Đỗ Thị Liên cũng lại là một người… Hà Nội gốc. Chị vẫn nhớ như in nhà chị ở quận Hoàn Kiếm và chị được bố mẹ sinh ra ở bệnh viện Hàng Rươi. Mãi đến 5 tuổi, theo cha mẹ sơ tán, lên Văn Luông, hợp đất hợp người rồi dính chặt luôn cả một đời.

"Bây giờ để tìm cho nhà báo một cô gái để chụp ảnh e cũng khó, bởi đến tuổi trưởng thành các cháu đã sớm về làm dâu dưới phố lắm. Chúng tôi chưa thống kê nhưng chuyện con gái Văn Luông làm dâu về Hà Nội, làm vợ của các doanh nghiệp chè trên địa bàn hay chí ít là về các thị trấn của tỉnh Phú Thọ thì nhiều lắm, nhiều đến mức không nhớ hết nổi. Con gái Văn Luông đẹp, tôi cũng thừa nhận nhưng nhà báo về xuôi viết phải cho đúng đấy nhé. Trước đây cũng có một người viết bài nhưng không đúng chất của người Văn Luông đâu, người Mường Văn Luông chúng tôi không có những trang phục như vậy đâu, nhà báo muốn biết, bật cái mạng internet lên là biết ngay mà".

Chị than phiền, trước đây cũng có một tác giả đã ngồi ở nhà và viết bài về Văn Luông với những bức ảnh minh họa mà trang phục và con người lại của một dân tộc khác, làm các chị chẳng biết ăn nói như thế nào với các bác trên huyện. Quay trở lại với buổi tối bên bếp lửa nhà sàn của gia đình ông Hà Ngọc Lan, người đàn ông gắn cả đời với mảnh đất Chiềng Luông này bảo, sở dĩ những người con gái quê ông có được nước da tươi mát, dung nhan xinh đẹp cũng bởi hiếm có nơi nào như vùng đất này, thiên nhiên lại ưu đãi với con người như vậy.

‘ Bên dòng sông Bứa

Tân Sơn là một huyện miền núi nhưng Văn Luông, trời lại phú cho một địa thế của một mảnh đất bán sơn địa. Những đồi núi không quá cao chảy dài thoai thoải với những nương chè xanh ngút tầm mắt. Phía trước là núi Chài núi Thiếc, phía dưới là dòng sông Bứa (dân làng vẫn gọi tên gọi khác là sông Tam cờ) quanh năm nước trong xanh chạy mãi tự thượng nguồn của rừng quốc gia Xuân Sơn, Phú Thượng chảy về tóa nước làm xanh tươi tất thảy bờ xôi ruộng mật. Người Chiềng Luông đã có thơ rằng: "Làng Luông lấp ánh bờ sông/Trên núi Thượng Cảng dưới sông Tam Cờ...".

Trên dòng sông Bứa có một thứ rêu đá, theo như lời ông Hà Ngọc Lan, người con gái đến tuổi trưởng thành hay khi mang bầu, ăn thứ rêu đá ấy vào sẽ rất có lợi cho sức khỏe và da thịt. Người ta gọi rêu đá là thứ rau kì dược cho phái đẹp và chỉ có duy nhất có ở dòng sông Bứa. Đó là một ân huệ mà trời đất đã rất công bằng khi ban tặng cho con người ở vùng núi cao phía Bắc như sâu Chíp chỉ có ở Điện Biên hay cá Anh Vũ, cá tiến vua có ở sông Lô, sông Đà. Lại nữa, ở vùng đất này từ thời xa xưa, con người đã gắn bó máu thịt với thiên nhiên nên các nguồn sống cũng nhờ vào thiên nhiên ban tặng. Tạo hóa đã sản sinh cho vùng đất này muôn vàn loài kỳ hoa dị thảo, ông Lan kể, thời của ông, mỗi khi sinh con, người phụ nữ xứ này đã phải uống không dưới mười loại nước thảo mộc.

Từ lá chè xanh, lá gối, lá ngọn cơm, lá mát, rễ cây… Sau khi sinh, người phụ nữ lại phải ngồi cạnh bên bếp lửa để… thay da mới. Dù nóng mấy cũng phải cố chịu. Hơ từ từ để lớp da cũ khô và bong đi, lớp da non sẽ được tái tạo mới, sau đó cả mẹ và con đều được tắm bằng thứ thuốc gia truyền nấu từ rễ cây dâu rừng, mận ma… được mang về từ tận những thung sâu. Người Chiềng Luông quan niệm, những thói quen đó sẽ đem lại sức khỏe và một dung nhan đẹp đẽ cho cả mẹ và con.

Đêm như muốn vỡ ra từ bập bùng ánh lửa trên gác nhà sàn. Tôi đã có một buổi tối chia tay đầy kỷ niệm tại nhà trưởng xóm Hà Ngọc Lan. Cũng rượu cần và những bài hát của xứ Mường. Cũng có đội văn nghệ, dù rằng đó chỉ là đội văn nghệ của xóm mà ban chiều, tôi đã vô tình làm quen được khi họ đi thu hoạch vụ chè giữa năm. Ún về én chẳng cho về (Người về em chẳng cho về). Những bài hát xứ Mường lả lướt, đồng lõa với bập bùng ánh lửa làm khách lạ cũng đôi lần khó dứt. Người già xứ này bảo: cơm lam, nước vác, nhà gác, lợn thui là những thước đo chỉ sự sung sướng. Và để làm một người con gái Chiềng Luông, từ khi sinh ra và lớn lên, ngoài hình thức trời ban, cũng phải cố gắng biết làm và làm giỏi những thước đo đó. Lúc ấy mới thực sự là những đóa hoa của đất…

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước