Ký ức Việt Nam: Nhớ lại hình ảnh ga Vinh năm 1973

Ký ức Việt Nam-Thứ hai, ngày 06/01/2014 06:00 GMT+7

 Sau khi hiệp định Paris được ký kết năm 1973, cùng với các tỉnh thành phía Bắc, Thành phố Vinh - Nghệ An cũng nhanh chóng được tái thiết. Và cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn phục hồi, tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh dài 280km đã được nối liền.

Trước đó chưa đầy 1 năm, nơi đây là khu vực trọng điểm bị B52 cày xới điên cuồng, với mục đích cắt đứt tuyến vận chuyển hàng viện trợ vào miền Nam. Ga Vinh đã phải di chuyển sơ tán đầu máy toa xe tới hàng chục lần. Thế nhưng giữa các trận bom, hàng chục ngàn tấn vũ khí, lương thực... vẫn được các đoàn goòng xuất phát từ Ga Vinh đi vào chiến trường theo kiểu “chạy tàu không ga”, “ghi di động”...

Sau khi được khôi phục lại, mỗi ngày ga Vinh có 3 chuyến tàu hỏa Hà Nội - Vinh. Và ở thời điểm đó, mỗi chuyến tàu chỉ chở khoảng 90 hành khách với giá vé 6 đồng 4 hào đối với người lớn. Trẻ em dưới 16 tuổi thì giá vé bằng 1 nửa. Khoang cuối có thể để xe đạp với giá 2 đồng/1 xe. Những chuyến tàu thế này, đa số hành khách là những thanh niên đã thực hiện xong nghĩa vụ quân đội ở khu vực quân quản số 4, và những người đi sơ tán trở về Hà Nội.

Không chỉ vận chuyển hành khách, ga Vinh còn vận chuyển các nhu yếu phẩm như thịt lợn, thịt bò, mỡ lợn, gạo, dây điện… Những hàng hóa này được các lao động của Cục giao thông vận tải vận chuyển đi các tỉnh thành.

Trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tự vệ Ga Vinh vừa bắn trả máy bay, tàu chiến địch, vừa phải bảo đảm huyết mạch giao thông. Và nhiều năm sau này, người ta vẫn nhắc tới ga Vinh như là một trong những đầu mối giao thông quan trọng nhất miền Bắc để chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần không nhỏ cho chiến thắng 1975.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước