Lập tỉnh - nét văn hóa độc đáo người Dao...

Văn Quân-Thứ năm, ngày 26/12/2013 18:41 GMT+7

Chính vì những ý nghĩa linh thiêng mà Lập tỉnh đã trở thành một nghi lễ gần như bắt buộc đối với người đàn ông Dao. Nhưng dùng một phép tính rất đơn giản, nếu với hộ gia đình thu nhập mức trung bình thì chi phí cho một buổi lễ Lập tỉnh đôi khi quá sức.

‘ Những bản làng vùng cao luôn chứa đựng những điều kỳ thú

Kỳ 2: Tìm sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa và thực tế...

Trong khi đó chưa nói đến gia đình có tới bốn năm người con trai (một điều vốn rất bình thường). Mang trăn trở này ra nói với chủ tịch xã Bàn Văn Lâm, ngẫm ngợi hồi lâu rồi ông cũng bảo, điều ấy thì ở Xuân Sơn, mà rộng ra trong toàn cộng đồng người Dao ai ai cũng biết. Và thực tế đó làm ông phải suy nghĩ rất nhiều. Tập tục này là tự nguyện nhưng chưa thấy ai không "cố" để làm cho xong "cái" Lập tỉnh để sống cho trọn vẹn kiếp người.

Vậy nên có chuyện, có người mãi trên 50 tuổi mới làm lập tỉnh, hay hai bố con, hoặc mấy anh em trai cùng làm một đợt là điều không hiếm xảy ra. Cũng chẳng ngần ngại che dấu cái thực tế đang diễn ra trong cộng đồng mình, anh Lâm đưa chúng tôi tới thăm gia đình anh Bàn Văn Loan. Anh Loan năm nay đã ba lăm tuổi, con trai đã chuẩn bị đi học lớp 1 mới đủ điều kiện để chuẩn bị làm lễ Lập tỉnh.

Đây cũng là một trường hợp hiếm, khi chưa Lập tỉnh mà đã cưới được vợ và sinh con. Vì theo anh Lâm, khi chưa Lập tỉnh, lứa các anh thời trước rất khó lấy vợ vì dù có to cao tới đâu, râu ria mọc như thế nào thì trong mắt các cụ, các cô gái... cậu trai vẫn chỉ là một đứa trẻ chưa trưởng thành.

"Phải dành dụm mấy năm trời mình mới có đủ lợn để làm Cấp sắc, rượu cũng đủ rồi, giờ chỉ còn thiếu mấy cân thịt chua nữa thôi là có thể tiến hành được. Với người Dao, thì đây có lẽ là ngày hội trọng đại nhất trong cuộc đời rồi. Vì nếu chưa được làm Cấp sắc, sau này qua đời cũng chỉ được làm con ma khô thôi". Nhưng có lẽ, chuyến đi của tôi và anh Lâm sẽ vui hơn nếu chúng tôi không ghé vào gia đình anh Đặng Văn Cẩm. Nhưng đúng như anh Lâm nói, đó là một thực tế mà mình muốn lảng tránh cũng không được, và hơn nữa, với một người làm công tác chính quyền như anh càng không được lảng tránh, cái quan trọng là tìm ra một giải pháp hài hòa giữa phong tục và thực tế cuộc sống của bà con.

‘ Ông Thành cũng thừa nhận cần phải giữ gìn nhưng vẫn phải có những sự thay đổi

Tìm phương án lưu giữ nét đẹp văn hóa

Ngồi trước chúng tôi, anh Cẩm buồn rầu bảo rằng, cả ba anh em nhà anh (thêm Đặng Văn Dũng, Đặng Văn Dương) đều chưa làm Lập tỉnh dù rằng, người nhiều tuổi nhất cũng đã ngót nghét năm mươi, còn người ít tuổi nhất thì chưa đủ "dũng khí" để xây dựng gia đình. "Sẽ phải làm thôi, nhưng chưa biết bao giờ". Chia tay, anh Cẩm nói với chúng tôi như vậy mà có cảm giác như anh đang nói với chính mình.

Qua lễ Lập tỉnh, người Dao được đề cao danh dự, và cũng vì danh dự nên họ phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống, lao động xây dựng bản làng. Mặt khác, trong và sau lễ này, người được cấp sắc tiếp tục được giáo dục, bồi dưỡng để hoàn thiện con người mình hơn. Đây là điểm tích cực và là nét đẹp của Lập tỉnh nhưng thực tế, làm sao để ai ai cũng có thể Lập tỉnh, cũng được cấp sắc một cách đúng truyền thống nhưng vật chất ít bị ảnh hưởng, để đó không phải là gánh "nợ đời" thì lúc đó, nét đẹp này mới thực sự hoàn hảo.

Tôi chia sẻ điều này với chủ tịch xã Xuân Sơn Bàn Văn Lâm và không ngờ, đó cũng là trăn trở của anh từ mấy năm nay rồi. "Chúng tôi đang định bàn với các già làng thay đổi lại một số quy ước của lễ Lập tỉnh. Làm sao vẫn giữ được đầy đủ nét đẹp và sự linh thiêng từ thời cha ông truyền lại nhưng chi phí sẽ được giảm thiểu tối đa. Phần lễ sẽ vẫn giữ nguyên nhưng phần hội có thể bàn tính lại, rượu ít hơn, thịt ít hơn và quà biếu cho thầy cũng sẽ được rút bớt lại. Xét cho cùng thì lễ hội nào vẫn phải cốt ở tấm lòng..." Và rất có thể, những dự định ấy của chủ tịch xã Bàn Văn Lâm, sẽ làm cho lễ Lập tỉnh - một nét đẹp văn hóa của người Dao tại Xuân Sơn sẽ thêm được trọn vẹn và hoàn chỉnh.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước