Tây Nguyên - Vùng đất của những lễ hội độc đáo

Tấn Chiến-Chủ nhật, ngày 02/02/2014 06:48 GMT+7

Cùng với cồng chiêng, sử thi, các lễ hội truyền thống chính là những nét văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào dân tộc tại Tây Nguyên.

Trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có rất nhiều lễ hội được tổ chức trong một năm. Tuy nhiên, những lễ hội mang tính cộng đồng không nhiều và thường được tổ chức vào dịp tháng 3 hằng năm.

Hiện nay, do cuộc sống có nhiều biến đổi, hệ thống lễ hội cũng dần thu hẹp và thời gian tổ chức thường vào cuối mùa thu hoạch cà phê. Dù không còn phong phú như trước nhưng một số lễ hội quan trọng vẫn được bà con gìn giữ và tiếp tục bảo lưu trong cộng đồng.

Đồng bào dân tộc M’nông tỉnh Đắk Nông có khoảng 30 lễ hội truyền thống, gắn liền với đời người, buôn làng hay thần linh. Trong đó, lễ sum họp cộng đồng (tiếng M’nông là Tâm r’nglắp bon) là hoạt động văn hóa truyền thống lớn nhất của đồng bào M’nông và được tổ chức từ 2 đến 3 năm một lần. Lễ hội là dịp để người dân gửi gắm tâm hồn, ước vọng của mình vào thần linh, mong muốn được ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu mong cho các bon làng đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.

‘ Lễ hội sum họp cộng đồng của đồng bào dân tộc M'nông (Ảnh: Báo Đắk Nông)

Già làng Y Krai, xã Trường Xuân, Đắk Song, Đắk Nông cho biết:“Lễ sum họp là cùng với nhau học hỏi, cùng nhau xây dựng, để cùng nhau biết được sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như văn minh trong thôn, bon”.

Còn đối với đồng bào dân tộc Ê đê ở Đắk Lắk hay Jơ Rai (tỉnh Gia Lai), lễ cúng thần lúa được bà con tổ chức hàng năm trước khi bước vào mùa rẫy. Nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa này là dân làng cùng nhau tái hiện lại toàn bộ chu kỳ của một mùa rẫy. Qua đó, gửi đến thần linh ý nguyện về một vụ mùa tốt tươi, no đủ cho buôn làng. Hiện nay, cuộc sống người dân có sự thay đổi, nhiều vùng đã không còn trồng lúa, nhưng lễ cúng thần lúa vẫn được duy trì trong đời sống cộng đồng.

Xưa kia, lễ hội truyền thống thường được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tổ chức từ 3 đến 5 ngày, còn ngày nay lễ hội chỉ diễn ra trong khoảng 1 ngày nhưng không vì thế mà mất đi nét truyền thống vốn có. Dù cho cuộc sống có khác xưa nhưng những giá trị văn hóa độc đáo đó vẫn mãi mãi trường tồn từ đời này sang đời khác trên mãnh đất Tây Nguyên hùng vỹ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước