Tết trên vùng “đất chết”... (Kỳ 2)

Văn Quân-Thứ bảy, ngày 01/02/2014 11:50 GMT+7

Được coi là “vựa thuốc phiện”, “rốn ma” túy của Cao nguyên đá Đồng Văn nên một thời xã Sà Phìn luôn bị coi là điểm nóng. Có những lúc hầu như toàn bộ cánh đàn ông xã này không thể ra ngoài đường, không thể làm ăn được vì ma túy vây hãm. Ấy thế mà bằng quyết tâm, nghị lực cùng sự góp sức nhiệt thành của cán bộ, ngày nay ma túy ở Sà Phìn đã bị đẩy lùi, mang đến một mùa Xuân mới rộn tiếng khèn.

Đất cũ hồi sinh

‘ Nụ cười mới trên vùng nha phiến

Tiếng khèn, tiếng hát đã rộn ca khắp các sườn đá núi trong mỗi độ Tết đến, xuân về. Thuốc phiện cùng tàn dư và hậu họa của nó cứ kéo dài, kéo dài mãi, dập vùi những mùa xuân, những lứa tuổi cho tới khi chương trình xóa bỏ cây thuốc phiện được Chính phủ đưa ra. Hậu họa nó gieo rắc khiếp đảm quá rồi nên không phá không được. Cùng với các vùng miền có thuốc phiện khác trong cả nước thì Sà Phìn cũng đón những luồng gió mới cho mình.

Có phương châm và chủ trương rồi thế nhưng việc triển khai nó tại “thung lũng hoa thuốc phiện” Sà Phìn cũng không hề đơn giản. Ngày ấy, Vàng Mí Chơ có thể coi là người duy nhất còn “lành lặn” trước sự vây hãm của ma túy ở kể: Những ngày đầu đi triển khai phá bỏ thuốc phiện cơ cực lắm. Phá nó thì dễ thế nhưng việc đối mặt, việc thuyết phục những người nghiện hút có thâm niên ở đây thì không dễ chút nào.

Anh bảo, do nghiện hút lâu quá rồi nên đứng trước việc phá bỏ thuốc phiện những người này sẽ đối mặt với nguy cơ không có thuốc để hút. Và để có thuốc, để “nuôi dưỡng những nguồn khói”, những “cơn vật” của mình nên họ đã chống đối. Không những chỉ cá nhân chống đối mà họ còn lôi kéo những người khác, gần như trở thành những băng đảng để chống đối chủ trương. Như vậy, để phá được thuốc phiện ở đây việc căng thẳng nhất là phải tổ chức được cai nghiện.

Cai nghiện ở đây cũng lại khó. Vì trình độ dân trí thấp, vì sự bất hợp tác nên không thể vận động hoặc cưỡng bức họ đến các trung tâm cai nghiện được. Lập hồ sơ, cử người đến mời họ đi thì phần lớn họ đều “nại” ra lý do rằng: Phải ở nhà đi nương để nuôi vợ con. Thậm chí có người lớn tiếng còn bảo: Thuốc tao mua là tiền của tao. Nhà tao, tao ở tao không đi đâu hết.

Thế rồi trong cái khó đã “ló” ra cái khôn. Họ không đi sẽ có phương kế khác. Sau khi họp hành, đề xuất phương án rồi thống nhất, lãnh đạo ở đây đã đưa ra phương án “2 trong 1”, đây là phương án đặc biệt riêng có ở Sà Phìn. Cứ với mỗi con nghiện ở đây bao giờ cũng được bố trí 2 người, 1 người là cán bộ xã, 1 người là chiến sỹ công an hay biên phòng giúp đỡ.

Nhận công việc, những người này đã xuống tận nhà những con nghiện. Cùng ăn, cùng ở và thậm chí cùng đi nương để giúp đỡ gia đình. Tận dụng những giờ khắc rỗi rãi lại lên tiếng khuyên nhủ những người nghiện. Như câu nói người Mông “nói phải củ cải cũng nghe”, sau nhiều lần tác động với sự nhiệt thành nên những người nghiện đã ý thức ra và đồng lòng cai nghiện tại chỗ.

Từ một xã nóng về trồng, nghiện thuốc phiện đến nay Sà Phìn đã có 100% con nghiện cắt cơn và không có biểu hiện tái nghiện. Cùng với việc cai thuốc này là sự tỉnh táo của đầu óc, sự khỏe khoắn của cơ thể. Người nào người đấy lại hăng say lao động và đã thực sự biết sợ cây thuốc phiện.

‘ Từ giã thuốc phiện, những điệu khèn lại rộn vang gọi về những mùa chồng vợ

Nắng mới, những cây đào phai bừng bừng đơm hoa, trong tiếng khèn dìu dặt của Hội gầu tào – Hội chơi núi to nhất trong Tết của người Mông, tôi đã tìm vào nhà ông Vàng Chá Sèo. Năm nay đã 61 tuổi, vốn là một con nghiện có thâm niên nhưng từ khi được cán bộ trợ giúp ông đã cai được nghiện. Từ một nhà nghèo khó do tàn dư của ma túy giờ đây năm nào ông cũng trồng được 1,5ha ngô. Cùng với đó là lợn gà được chăn thả và tới thời điểm này ông đã trở thành một trong những hộ có kinh tế khá ở xã. Trò chuyện ông bảo: Cái ma túy một thời làm mình ngu quá. Nó đem nghèo khó đến, nó đem cái chuyện chồng chửi vợ đến. Bây giờ nhìn nó thì sợ lắm rồi. Nếu mình biết trước thì giờ nhà mình đã giàu hơn nữa rồi.

Vàng Mí Lía, Chủ tịch xã mời tôi một bát rượu ngô óng vàng màu nước và men bên cây đào cổ thụ đang đơm hoa trước trụ sở Ủy ban, với tâm trạng vui vẻ anh hồ hởi: Tết này, thêm một năm nữa người Mông chúng tôi đón một mùa xuân bình yên vì không còn khói thuốc phiện. Đối tượng nghiện hút trong xã tôi tính đến giờ không còn một ai. Trong nhiều năm, xã không có người tái nghiện. Xã đã được coi là xã điển hình, cùng với sự phát triển và việc sạch về ma túy nên 100% các em trong độ tuổi đã được đến trường.

Gió và nắng xuân vàng như rót mật đang trải dài, xua tan những màn sương mù còn dai dẳng sót lại dưới thung lũng Sà Phìn. Trên những con đường quanh co, gập ghềnh đá và thắm một mầu hoa đào tôi bất chợt nhìn thấy đã có đôi ba cặp nam nữ thanh niên bỏ chúng bạn để tạt vào một hố đá chuyện trò. Đây là dấu hiệu cho thấy họ đã tìm được đôi, được lứa trong mỗi mùa xuân. Nếu thuận, chỉ ra Tết thôi họ sẽ tổ chức chặn đường, cướp dâu để đưa nhau về nhà cúng trình ma (một tập tục của người Mông) để thành vợ thành chồng. Một cuộc sống bình yên, không còn nha phiến ở một miền quê mà lâu nay vẫn được mệnh danh là vùng nha phiến đang chờ họ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước