Tiếng gọi Mai Châu

Bài và ảnh: Mai Chi-Thứ hai, ngày 05/08/2013 20:09 GMT+7

 Chẳng gần nhưng cũng không quá xa khi chọn Mai Châu là điểm đến cho hai ngày nghỉ cuối tuần đầy thi vị.  Một thung lũng yên bình có những nóc nhà sàn xinh xắn nép mình dưới những rặng núi xanh mát mắt - nơi mà bạn có thể thưởng thức nhiều “đặc sản” vùng cao.

Chỉ cách Hà Nội chừng 130 km, từ Hòa Bình, xuôi theo quốc lộ 6, vượt dốc Cun cao như cổng trời là bạn đã tới Mai Châu. Đặc sản của Tây Bắc mà chúng tôi đã được nếm trải trước tiên là những cung đường quanh co, vượt dốc đổ đèo đầy lý thú. Ba chiếc xe vòng vèo nối đuôi nhau như chơi trò rồng rắn lên mây. Chẳng dại gì mà phải xi-nhan vượt đường, bởi cảnh sắc quá ư hữu tình đã chiếm hết tâm trí, hơn nữa vượt đường đèo, nguy hiểm luôn bủa vây bạn. Ở những khoảnh khắc, thời điểm khác nhau, cảnh sắc của vùng cửa ngõ Tây Bắc lại cho bạn những cảm nhận riêng độc đáo.

Chúng tôi lên Hòa Bình giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, lòng chợt nhẹ tênh, khoan khoái khi ngồi nghỉ trên đỉnh đèo đầy gió, ngắm núi lam tím nhấp nhô phía xa. Mát mắt hơn cả là những ngọn núi xinh xắn đứng riêng lẻ trông giống như chiếc oản khổng lồ được phủ một lớp áo xanh non mơn mởn của rêu và dương xỉ. Dưới thung lũng lúp xúp những nóc nhà của người Thái, người Mường co cụm men chân núi, vây xung quanh là ruộng lúa xanh rì…

‘ Địa hình núi non khiến Mai Châu còn có nhiều hang động kỳ bí thu hút thú phiêu lưu, mạo hiểm của du khách, đặc biệt là người nước ngoài. Ngay khi tới huyện lị Mai Châu, chúng tôi quyết không bỏ phí thời gian vàng ngọc, nai nịt gọn gàng theo chân hướng dẫn viên thám hiểm hang Mỏ Luông thuộc dãy núi Pù Kha. Người Thái trắng gọi đây là hang Bó Luông có nghĩa là mỏ nước lớn.

Anh chàng hướng dẫn viên người Thái khá trắng trẻo, đẹp trai phát cho mỗi người một mũ bảo hiểm cùng với chiếc đèn pin gắn lên trán giống như những thợ mỏ. Nghe thông báo về độ sâu 500 m và đường đi khá nguy hiểm dẫn tới 4 động chúng tôi không khỏi rờn rợn nhưng bước chân vẫn sấn xổ leo lên những bậc thang dẫn vào động thứ nhất. Hiếm có một hang động nào lại có một mặt bằng rộng lớn như Mỏ Luông. Với chiều dài lên đến 60 m, chiều rộng 16 m và một vòm mái cao thoáng đãng, động thứ nhất của Mỏ Luông có thể tổ chức cả một đám cưới. Khi chúng tôi ngỡ ngàng nảy ra ý tưởng này thì anh chàng hướng dẫn viên tủm tỉm cười cho biết đã từng có đám cưới và cả những hội nghị được tổ chức ở đây.

Trở ngại đầu tiên là chúng tôi phải leo lên một thang sắt trông khá mong manh và dài tới 10 m, dựng đứng bắc lên động thứ hai. Người dân địa phương gọi động này là ngôi nhà của các vị thần tiên bởi vô số các hình thù nhũ đá trông giống nhân vật trong chuyện thần thoại.

Chúng tôi ra khỏi Mỏ Luông khi mặt trời đã khuất dần sau ngọn núi cao, mó nước cổ ở huyện lị Mai Châu rổn rang tiếng cười nói. Bản Lác cách trung tâm huyện khoảng 3 km, với những món ăn truyền thống của người Thái đang chờ đợi chúng tôi. Nhìn khói lam chiều vương trên những nóc nhà sàn nằm dọc chân núi khiến những ai đã từng có tuổi thơ gắn bó với rơm rạ làng quê không khỏi bồi hồi xốn xang. Nhà sàn được dựng san sát bên nhau, cùng quay mặt ra trục đường chính, tuyệt nhiên không có hàng rào ngăn cách khiến cho du khách ngay lập tức cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện của cộng đồng nơi đây. Đông vui như một dãy phố nơi đô thị nhưng lại dân dã, độc đáo với những sản vật đặc trưng của vùng cao Tây Bắc.

‘ Nhà sàn ở đây được đánh số chắc hẳn để du khách dễ nhớ khi tìm về nơi chốn mình đã từng ấn tượng. Không hề có cảnh gia súc, gia cầm sống dưới gầm nhà như hình dung của nhiều người về cảnh nhà sàn vùng cao. Thơ mộng, thoáng đáng và sạch sẽ, đó là cảm nhận của bất kỳ ai đến với bản Lác.

Ngôi nhà sàn chúng tôi chọn để dừng chân là nhà nghỉ của chị Hà Thị Nga - một phụ nữ Thái xinh có tiếng trong vùng. Chị Nga thật thà, kiệm lời là vậy nhưng lại là người đầu bếp Thái siêu hạng. Chúng tôi cùng vào bếp xem chị thoăn thoắt chế biến những món ăn truyền thống đãi khách. Nào gà gói lá dong, cá suối nướng, măng đắng xào, chả lợn mán và đặc biệt là món cơm lam nổi tiếng của Mai Châu.

Buổi tối đó, sau khi thưởng thức đặc sản vùng cao, chúng tôi tiếp tục bị cuốn hút vào các điệu xòe của thiếu nữ Thái và màn nhảy sạp tưng bừng. Không khí trong lành của bản Lác khiến bạn có một giấc ngủ sâu. Thức dậy vào sáng sớm, cùng nhau bách bộ trong làng, chúng tôi sưu tầm được khá nhiều món quà độc đáo, những chiếc ví, túi xách, khăn piêu thổ cẩm do bàn tay khéo léo của con gái Thái dệt, những chiếc cung, nỏ, tù và của đàn ông Thái đen chế tác.

Bữa cơm trưa chia tay bản Lác, chia tay Mai Châu của chúng tôi có thêm cặp vợ chồng người New Zealand vui tính. Họ thực sự thích thú những món ăn đậm đà, lạ miệng và hết sức dân dã nơi đây. Chúng tôi cùng chụm đầu vin ống rượu cần, nhấp chút men rượu nồng thơm. Hai vị khách ngoại quốc tấm tắc, gật gù và nói lời hẹn gặp lại chúng tôi tại bản Lác vào một dịp gần nhất có thể.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước