Công dụng làm thuốc từ cây đào

Tuấn Bảo-Thứ tư, ngày 21/03/2018 22:57 GMT+7

Hình minh họa

VTV.vn - Đào không chỉ là cây ăn quả, cây cảnh, cây hoa không thể thiếu của người dân xứ Bắc trong dịp Tết cổ truyền, mà còn là cây thuốc quý.

Đào là cây gỗ nhỏ, cao 8-10m, mọc lâu năm, thân nhẵn, phân cành nhiều, màu đo đỏ, chồi có lông mềm. Lá hình bầu dục ngọn giáo, dài 8-15cm, rộng 2-3cm, có mũi nhọn dài, nhăn nheo, có răng mịn, màu lục thẫm hay lục nhạt tùy giống; cuống lá có tuyến. Hoa hình chuông màu đỏ nhạt, có khi trắng, thường mọc đơn độc, có cuống ngắn. Quả hạch hình cầu, có một rãnh bên rõ, phủ lông tơ mịn, khi chín hơi có màu đỏ, vỏ quả trong hóa gỗ bao lấy hạt (nên người ta gọi là quả hạch). Mùa hoa tháng 1-4, quả tháng 5-9.

Ðào thích nghi với vùng khí hậu nhiệt đới núi cao các tỉnh miền Bắc vào đến Thanh Hóa, còn có ở Lâm Đồng. Tại Đà Nẵng thỉnh thoảng vẫn gặp những cây đào được trồng cho hoa đúng dịp Tết (xem ảnh). Người ta ăn quả lấy hạt. Ðập vỡ vỏ lấy hạt, ta thường gọi là nhân, nên mới có tên là Ðào nhân, thực ra đó mới là hạt đào, đem phơi hoặc sấy khô. Hoa thu hái vào mùa đông xuân, các bộ phận khác thu hái quanh năm, dùng tươi.

Theo Đông y, đào nhân có vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng phá huyết thông kinh, nhuận táo, hoạt trường, lợi tiểu hạ huyết áp, chữa ho. Lá đào có vị đắng, tính bình, có tác dụng làm tan kết tụ và giảm đau, ngoài ra còn có tác dụng lợi tiểu mạnh. Người ta đã nghiên cứu về các tác dụng ức chế sự đông máu, tác dụng chống dị ứng, tác dụng chống viêm của nhân đào, tác dụng diệt khuẩn, tẩy và diệt giun của lá đào.

Ðào nhân, dùng sống trị kinh nguyệt bế tắc, sinh hòn cục, bụng dưới đầy, đau, vấp ngã ứ huyết; dùng chín thì hoạt huyết, chữa đại tiện khó đi do huyết táo, ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc. Ðào nhân còn dùng chữa ho như hạt mơ. Lá đào thường dùng sắc nước hoặc vò ra lấy nước tắm ghẻ, sưng ngứa, chốc lở, xát và ngâm chữa đau chân. Hoa đào cũng được dùng làm thuốc lợi tiểu và tẩy xổ, để chữa thủy thũng, táo bón. Ngày dùng 3-5g hãm uống. Nhựa đào dùng trị đái ra dưỡng trấp, đái đường.

Ðơn thuốc:

1. Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng máu: đào nhân, hồng hoa, ngưu tất, tô mộc, mần tưới, nghệ vàng đều bằng nhau, mỗi vị 8-15g sắc uống.

2. Chữa bí đại tiện: dùng đào nhân 40g luộc ăn vào lúc đói.

3. Chữa đại tiểu tiện không thông: dùng lá đào một nắm to, giã vắt lấy nước cốt uống.

4. Chữa phù thũng: dùng vỏ cây đào ngâm rượu uống.

5. Chữa đái dưỡng trấp: dùng nhựa cây đào 12g tán nhỏ uống với nước sắc 30g dây tơ hồng.

6. Chữa đái đường: dùng nhựa đào 20g tán nhỏ uống với nước sắc địa cốt bì và râu bắp (mỗi thứ 30g).

7. Chữa chốc lở, rôm sảy, sưng âm hộ: Giã lá đào tươi xoa xát.

8. Chữa phù, đại tiện táo bón: Dùng hoa đào 3-5g, sắc uống.

9. Chữa bại liệt nửa người: lấy 2.000 nhân quả đào đã bóc vỏ cho vào một lít rưỡi rượu để ngâm 21 ngày, vớt nhân Ðào đem phơi khô sấy giòn, tán nhỏ mịn, trộn với nước cháo cho vừa dẻo làm viên to bằng hạt đậu đen, mỗi ngày uống 30 viên với một thìa rượu ngâm nước của nó.

10. Chữa đau vùng tim đột ngột: Lấy 30g nhân hạt đào bóc vỏ giã nhừ, cho vào một chén nước đun kỹ để uống 3 lần.

Kiêng kỵ: Không có ứ trệ, đàn bà có thai không nên dùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước