5 bí quyết vượt vũ môn của nữ thủ khoa khối A ĐH Ngoại thương

Minh Đức-Thứ ba, ngày 12/04/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - Thủ khoa khối A Đại học Ngoại thương sẽ có những lời khuyên hữu ích cho các sĩ tử về việc ôn thi và chọn ngành nghề một cách thích hợp nhất.

Kì thi tuyển sinh Đại học Cao đẳng 2016 đã đến rất gần, các sĩ tử đang bắt đầu giai đoạn nước rút cho kì thi sắp tới. Tuy nhiên, trước khi bước vào kỳ thì thì việc định hướng nghề nghiệp và trường thi vào cũng vô cùng quan trọng. Phóng viên VTV News đã có cuộc gặp gỡ với bạn Nguyễn Cẩm Tú - thủ khoa khối A trường Đại học Ngoại Thương năm 2015. Trong kỳ thi tuyển đại học năm ngoái, Nguyễn Cẩm Tú đã đạt tổng điểm 29 với môn Toán 9,25; Lý được 9,75 và môn Hóa giành điểm tuyệt đối. Chắc chắn nữ thủ khoa Đại học Ngoại thương sẽ có những chia sẻ về kinh nghiệm thi cử, chọn ngành nghề vô cùng bổ ích dành cho các bạn học sinh khối 12.

- Cẩm Tú giành được số điểm gần như tuyệt đối trong kỳ thi tuyển Đại học năm 2015, với số điểm đấy, bạn có thể đậu bất cứ trường nào, tại sao bạn lại chọn trường Đại học Ngoại thương?

Từ nhỏ mình đã thích kinh tế rồi, trong khi đó Ngoại thương luôn là một trong những trường nằm top đầu của cả nước về lĩnh vực này, hơn nữa Ngoại thương lại có một môi trường rất năng động vậy nên mình đã sớm xác định mục tiêu của mình là ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại của trường Đại học Ngoại thương.

- Sau một năm vượt vũ môn đầy vất vả, sang năm nay, quy chế nộp hồ sơ đã thay đổi, bạn nghĩ gì về sự thay đổi này?

Mình có tham gia ngày hội tuyển sinh của trường năm nay nên cũng có tìm hiểu thông tin về cách thức xét tuyển năm 2016. Khác với năm ngoá, năm nay các em khối 12 nộp hồ sơ sẽ không được quyền rút nữa. Nên mình nghĩ đầu tiên mỗi người phải xác định rõ được mình muốn vào ngành nào của trường nào, và cố gắng hết sức với mục tiêu đó. Nếu đạt được kết quả tốt thì sẽ không phải lo lắng. Nhưng nếu chẳng may kết quả không như ý, thì các em nên cân nhắc kĩ, vẫn mạo hiểm nộp vào trường đã đặt mục tiêu hay lựa chọn ngành đấy nhưng của một trường có điểm thấp hơn. Tất nhiên quan trọng nhất vẫn là đạt đc kết quả tốt nhất để không phải lo nghĩ nhiều!

- Từ lúc làm hồ sơ, đến lúc thi, rồi bắt đầu nộp hồ sơ và chờ đợi kết quả... có giai đoạn nào khiến bạn thấy mệt mỏi và khó khăn nhất không?

Mình nghĩ giai đoạn khiến mình mệt mỏi và khó khăn nhất là lúc chờ đợi kết quả. 20 ngày cho đợt xét tuyển lần một là quá dài. Mình nhớ lúc mình đi nộp hồ sơ đến ngày thứ 10 thì mới có khá ít bạn nộp vì mọi người còn đều chờ đợi để theo dõi tình hình. Thành ra đến mấy ngày cuối đã bị quá tải. Mình chỉ theo dõi tin tức thôi cũng thấy mệt mỏi rồi.


Nữ thủ khoa khối A Đại học Ngoại thương chia sẻ nhiều kinh nghiệm ôn thi bổ ích (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nữ thủ khoa khối A Đại học Ngoại thương chia sẻ nhiều kinh nghiệm ôn thi bổ ích (Ảnh do nhân vật cung cấp)

- Bạn có kinh nghiệm ôn thi nào hữu ích có thể tiết lộ cho các sĩ tử năm nay không?

Đầu tiên là phải nắm vững kiến thức Sách giáo khoa. Mọi người có thể thấy năm ngoái, phần lý thuyết của Lý và Hoá, hay cả 1 số câu của đề Toán hoàn toàn chỉ là kiến thức trong Sách giáo khoa thôi. Nhiều bạn sẽ thấy Sách giáo khoa đơn giản quá nên bỏ qua luôn không học, nhưng chính điều đó có thể sẽ khiến cho mọi người mất điểm ở những câu dễ trong đề thi.

Thứ 2 là phải luyện tập nhiều đề. Phương châm của mình là "Pratice makes perfect" (tạm dịch Có công mài sắt có ngày nên kim), không có cách luyện nào tốt hơn là làm đề. Nguồn đề rất phong phú, có thể lấy từ trên mạng hay sách tham khảo đến tài liệu của thầy cô. Khi làm nhiều đề sẽ giúp mọi người nâng cao khả năng phản xạ và phân tích đề bài, biết đề yêu cầu điều gì và cần phải làm gì để giải quyết. Hơn nữa làm nhiều đề sẽ biết được nhiều dạng bài, sẽ tự tin hơn khi vào phòng thi.

Thứ 3 là phải hệ thống kiến thức của mình. Môn nào cũng có quá nhiều kiến thức cần nhớ, chính vì vậy có khả năng khi học cái này sẽ quên cái kia. Để tránh tình trạng đấy nên có một quyển sổ tổng hợp, hệ thống lại kiến thức của từng môn theo từng phần. Các môn trắc nghiệm như Lý thì có tóm tắt lý thuyết và các công thức tính Toán, còn Hoá thì như chất này tính chất gì, phản ứng này có điều kiện gì không. Toán thì là dạng bài này có những cách xử lí như thế nào. Để khi làm bài, nếu có quên thì cũng dễ dàng xem lại hơn.

Thứ 4 là phải cân bằng giữa thời gian học và chơi. Học quá nhiều sẽ khiến cho đầu óc luôn căng thẳng, không thể đạt được hiệu suất tốt nhất, chính vì vậy cần phải có thời gian nghỉ ngơi. Mình nghĩ mỗi ngày ngoài thời gian học trên lớp thì 3 - 4h tự học là đủ. Miễn sao khi học phải tập trung hoàn toàn, không được làm việc riêng. Còn khi đã chơi thì cũng không nên nghĩ đến việc học, để cho đầu óc nghĩ ngơi thoải mái, thế mới lấy lại năng lượng để học tốt được.

Cuối cùng thì có một người bạn đồng hành cũng sẽ giúp học tốt hơn. Hai người cùng mục tiêu, cùng giúp đỡ nhau học, chia sẻ đề, kinh nghiệm với nhau. Có bài khó thì cũng nhau giải, có lỗi sai gì cũng nhắc nhau nhớ để sửa. Ngoài việc chia sẻ kiến thức, mình cũng dễ dàng chia sẻ những lo lắng, áp lực, mệt mỏi với bạn hơn vì không ai hiểu mình bằng những người đang đi trên cùng một con đường với mình. Như vậy hai người có thể cùng động viên nhau, cùng nhau đạt được mục tiêu đề ra.

- Bạn đã nghĩ đến việc sau này sẽ làm nghề gì chưa?

Hiện mình đang học kinh tế đối ngoại nên chuyên ngành mình học là về ngoại thương, nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Nhưng xa hơn, mục tiêu cuối cùng là có một dự án start-up của riêng mình.

- Việc bạn định hướng tương lai như vậy có sự tư vấn của bố mẹ hay nhà trường không?

Ước muốn công việc tương lai như vậy là sở thích từ nhỏ của mình rồi. Bố mình là bác sĩ nên bố mẹ cũng muốn mình theo nghề bố, nhưng khi biết ý định của mình như thế thì bố mẹ cũng hoàn toàn ủng hộ. Bố mẹ còn giúp mình tham khảo ý kiến của những cô chú, anh chị đã từng học ngành mà mình đang theo học nữa.

- Bạn thấy việc bố mẹ và nhà trường tư vấn định hướng cho các em học sinh khối 12 có quan trọng không?

Chắc chắn là quan trọng rồi. Bố mẹ và thầy cô là những người đi trước, có nhiều kinh nghiệm hơn các bạn học sinh. Hơn nữa trong thời điểm này, nhiều bạn đang khá lo lắng, áp lực về kì thi đại học phía trước, cần có những người giúp đỡ để định hướng, đưa ra những lựa chọn hợp lý nhất. Nhưng quan trọng nhất vẫn là mỗi bạn cần phải biết được đam mê, sở thích của mình là gì, như vậy, sự tư vấn của bố mẹ và nhà trường mới hiệu quả được.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước