Bộ GDĐT lấy ý kiến về phương án thi tốt nghiệp

ĐT Chính phủ-Thứ năm, ngày 16/01/2014 06:00 GMT+7

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) trong những năm trước mắt. Dự thảo này đang được Bộ đăng tải lấy ý kiến góp ý của người dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, qua đánh giá ưu, nhược điểm các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước đây; trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội, Bộ dự kiến có một số thay đổi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sắp tới (trước khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới) như sau:

Về miễn thi tốt nghiệp, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài các đối tượng được miễn thi theo Quy chế thi hiện hành (người học khiếm thị; người học lớp 12 được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực các môn văn hoá và được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ), các thí sinh (học sinh Giáo dục THPT và học viên Giáo dục thường xuyên) có kết quả học tập, rèn luyện tốt sẽ được miễn thi dựa theo các tiêu chí cơ bản sau: Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT; kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; kết quả các kỳ thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật, các cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia, quốc tế.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh miễn thi được xếp loại tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12. Thí sinh được miễn thi vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp để được xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp theo quy định.

Trong kỳ thi đầu tiên, tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng (các Sở Giáo dục và Đào tạo) tối đa là 20%. Tỷ lệ này có thể được xem xét điều chỉnh trong các năm sau.

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ căn cứ tỷ lệ miễn thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, xây dựng phương án miễn thi của địa phương mình với các nội dung sau:

1- Cụ thể hóa tiêu chí miễn thi; dự kiến phương án miễn thi của đơn vị, trong đó nêu rõ tỷ lệ miễn thi cho từng cơ sở giáo dục phổ thông, Giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý dựa trên các đánh giá của Sở về: Điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học; kết quả các hoạt động giáo dục mà cơ sở đã tổ chức thực hiện; kết quả học tập, rèn luyện của học sinh...;

2- Lấy ý kiến của Hiệu trưởng trường THPT, Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên (gọi chung là Hiệu trưởng trường THPT) về phương án miễn thi;

3- Hoàn thiện phương án và trình Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam phê duyệt;

4- Công khai phương án trên các phương tiện thông tin đại chúng;

5- Chỉ đạo, hướng dẫn các trường THPT thực hiện phương án miễn thi đã được phê duyệt và tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Bên cạnh đó, hiệu trưởng trường THPT cũng sẽ phải thực hiện các nội dung sau: Tham gia góp ý xây dựng phương án miễn thi theo yêu cầu của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; thành lập Hội đồng xét miễn thi của trường để xét miễn thi theo phương án đã được phê duyệt (Hội đồng gồm: Ban Chấp hành đảng bộ/chi bộ nhà trường, Ban Giám hiệu, Chủ tịch công đoàn trường, Bí thư đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện học sinh lớp 12); công khai và xử lí các góp ý về danh sách học sinh được miễn thi do Hội đồng đề xuất; trình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo duyệt danh sách học sinh được miễn thi.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước