Đà Nẵng: Liên kết trong đào tạo nhân lực ngành CNTT

Hoài Tâm-Thứ tư, ngày 28/05/2014 07:07 GMT+7

Ảnh minh họa

Mặc dù lượng sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT tại các trường Đại học Đà Nẵng hàng năm khá đông, nhưng trình độ lao động qua đào tạo ngành này lại chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp phần mềm. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa khâu đào tạo và tuyển dụng.

Trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây, khi nhiều công ty phần mềm được mở ra tại Đà Nẵng, nhu cầu về nguồn lực CNTT đã tăng lên nhanh chóng. Hàng năm, các trường Đại học trên địa bàn thành phố cũng đào tạo hơn ngàn sinh viên ngành CNTT. Tuy nhiên, trình độ lao động qua đào tạo ngành này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Bên cạnh hạn chế về trình độ ngoại ngữ, đa phần sinh viên vẫn còn thiếu nhiều kỹ năng.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty phần mềm FPT thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đa phần sinh viên ở các trường Đà Nẵng được đào tạo kiến thức cơ bản tốt nhưng các bạn đang thiếu những kỹ năng cần có khi làm việc ở môi trường doanh nghiệp như kỹ năng làm việc nhóm, khả năng về sự cam kết, kỷ luật”.

Có thể thấy, những hạn chế của sinh viên sau khi ra trường xuất phát từ việc đào tạo chưa phù hợp với thực tế, chưa có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trước thực tế đó, một số trường như Đại học FPT, Đại học Duy Tân, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã hợp tác với các công ty phần mềm để liên kết đào tạo, giúp sinh viên có tác phong công nghiệp, nâng cao kỹ năng khi làm việc ở môi trường thực tế.

Ông Huỳnh Tấn Châu, Giám đốc Trung tâm CNTT Đà Nẵng, Đại học FPT cho biết: “Trong chương trình đào tạo của Đại học FPT, sau khi sinh viên được đào tạo 5 học kỳ tại trường sẽ được gửi về để đào tạo qua môi trường thực tế của doanh nghiệp 1 học kỳ. Chương trình đào tạo tại doanh nghiệp do hai bên cùng thống nhất để triển khai”.

Nguồn nhân lực ngành CNTT không chỉ tăng trong thời điểm hiện tại mà dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Tại thành phố Đà Nẵng, ngành công nghiệp CNTT ngày càng có triển vọng phát triển một khi dự án khu CNTT tập trung tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án này không chỉ thu hút hàng loạt doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu tư, tạo ra khoảng 25.000 việc làm về CNTT. Vì vậy, việc điều chỉnh hướng đào tạo sinh viên ngành CNTT, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp được xem là việc làm cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước