Đầu tư giáo dục miền núi - giảm tỷ lệ học sinh bỏ học

Bảo Lộc-Thứ bảy, ngày 15/02/2014 06:00 GMT+7

Tại tỉnh Khánh Hòa, cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, việc tạo điều kiện môi trường giáo dục thuận lợi, khuyến khích học sinh ra lớp đã góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ lớp giữa chừng trong năm học này.

Học sinh không ra lớp là thực trạng diễn ra sau kì nghỉ Tết và cũng là nỗi lo của thầy cô giáo tại trường học miền núi xã 3 Cụm Nam, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Đây là địa phương có số học sinh bỏ học giữa chừng chiếm hơn 50% trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, năm nay học sinh ra lớp đều hơn, sĩ số các lớp được giữ ổn định từ đầu năm học cho đến nay.

Sau Tết là thời điểm bà con khu vực này bước vào vụ mùa vì thế mà nhiều em phải bỏ học theo bố mẹ lên rẫy. Hơn nữa, việc đầu tư chuyện học hành cho con vẫn chưa thật sự được bà con quan tâm. Vì thế công tác vận động tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục Khánh Hòa triển khai từ đầu năm học.

Tỉnh Khánh Hòa có gần 8.000 học sinh tiểu học là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ năm học 2012-2013 đến nay, Khánh Hòa đã thực hiện chính sách hỗ trợ chế độ ăn trưa tại trường đối với số học sinh nói trên ở các trường học hai buổi/ngày, với mức 200.000 đồng/học sinh/tháng học sinh không ăn trưa tại trường được hỗ trợ 120.000 đồng/tháng.

Trong năm học tới đây, năm học 2014-2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã quyết định đầu tư 56 tỷ đồng cho đề án tăng cường cơ sở vật chất tại các trường tiểu học ở 2 huyện miền núi để có thể dạy và học 2 buổi/ngày, trong đó có tổ chức bán trú cho các trường có đủ điều kiện.

Sự đầu tư liên tục và có chiều sâu như vậy không ngoài mục tiêu củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, từng bước nâng cao chất lượng học tập cho học sinh tiểu học người đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh khó khăn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước