Để trẻ không nghiện mạng xã hội là một thách thức

Theo Dân trí-Thứ hai, ngày 01/02/2016 09:00 GMT+7

VTV.vn - Ẩn sau sự nhộn nhịp, lấp lánh, sắc màu của giới trẻ khi xuất hiện trên mạng xã hội thường là nỗi cô đơn đến tột cùng trong thế giới thật.

Vài năm gần đây, mạng xã hội như cơn lốc xoáy cuốn lấy giới trẻ. Ở đó, chúng ta chứng kiến vô số những câu chuyện, tình huống tiêu cực tác động đến các em như nghiện mạng xã hội, gặp các sự cố trên mạng nhưng hậu họa thật. Làm sao để trẻ “làm chủ” bản thân trong thế giới mạng phải không chỉ là bài toán gây nhức đầu mỗi ông bố bà mẹ mà trở thành nỗi lo của xã hội.

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM): Không thể cấm đoán, chỉ có thể trì hoãn

Cũng là một người mẹ, tôi thật sự rất lo lắng trước tác động của mạng xã hội đến con mình. Con gái tôi học lớp 7, cháu cũng từng “đòi” chơi Facebook để kết với bạn bè. Tôi không thể cấm con mà đang tìm cách trì hoãn con tham gia mạng xã hội càng lâu càng tốt. Để trẻ không nghiện mạng xã hội trong thời đại này quả là một thách thức.

Trong thời gian này, tôi cố gắng chia sẻ với con những lợi ích, cái hay của mạng xã hội. Đồng thời cho con thấy những mặt trái giúp về thế giới này trước khi tham gia. Việc trẻ tham gia mạng xã hội cần có tâm thế chuẩn bị cũng như sự kiểm soát, đồng hành của bố mẹ.

Bất cứ môi trường nào, theo tôi, hai yếu tố cần nhất của mỗi người là đạo đức và kỹ năng ứng xử. Có đạo đức các em sẽ phân biệt được đúng sai, không để đám đông lôi cuốn vào những việc tiêu cực. Kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng ứng xử trong từng tình huống sẽ giúp các em vượt qua các sự cố một cách tốt nhất.

Ngoài ra, bố mẹ cần giúp con hiểu ý nghĩa của cuộc sống, có mục tiêu sống thật sự thì may ra mới kéo con khỏi chìm ngập trong thế giới ảo và biết cách bảo vệ mình an toàn.

ThS giáo dục Phạm Phúc Thịnh: Cần vacxin phòng ngừa

Cấm con tham gia mạng xã hội trong thời đại này là một điều không thể. Vai trò của bố mẹ là cần tìm ra vacxin phòng ngừa các “bệnh” có thể gặp phải trên mạng. Bố mẹ phải thật sự quan tâm đến con, dành thời gian cho con, cùng con tìm hiểu về các thông tin, tình huống thường gặp trên mạng xã hội và hãy lắng nghe ý kiến, cách giải quyết của con.

Trên thế giới đó cũng có người tốt, người xấu; có thông tin hay, dở, chúng ta cần giúp trẻ nhận diện. Điều quan trọng nhất là mỗi đứa trẻ cần có sự tự tin ở bản thân mình, biết tự chủ trước lời nói, hành động của mình.

Trong một số trường hợp, bố mẹ có thể quản lý con bằng công nghệ sao cho tế nhị chứ không phải để phán xét, chỉ trích con trẻ.

ThS giáo dục Phạm Thị Tuynh (Hiệu trưởng Trường tiểu học Việt Mỹ):Giúp trẻ đương đầu với “bão” của mạng xã hội

Những tác động của mạng xã hội đến con trẻ hiện nay rất đáng lo ngại. Nhiều em khác lắm, như biến thành một con người khác hoàn toàn khi xuất hiện trên mạng xã hội mà lại theo hướng tiêu cực. Bên ngoài rất ngoan, lễ phép lên mạng là chửi thề, nói tục, khoe thân… Chính những điều đó dẫn đến các nguy cơ các em có thể gặp phải.

Cũng như ngoài đời sống thực, việc sẽ gặp các sự cố trên mạng là điều khó tránh. Trẻ cần được chỉ dẫn để biết cách đương đầu với các “cơn bão” có thể xảy ra trên mạng xã hội. Và một khi các em vượt qua được thì các con sẽ rất trưởng thành, mạnh mẽ. Trong mọi người hợp, chính bố mẹ phải là người mạnh mẽ, bình tĩnh để đồng hành cùng con.

Theo tôi, khi gặp các biến cố từ mạng xã hội, điều các em sợ chưa hẳn là mình có vượt qua được hay không mà các em sợ nhất là đối mặt với người thân như thế nào.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước