Đổi mới kỳ thi THPT quốc gia: Nhiều giáo viên và học sinh băn khoăn

Theo VOV-Thứ hai, ngày 29/12/2014 20:17 GMT+7

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. (Ảnh: VOV)

Nhiều giáo viên, học sinh bày tỏ lo lắng về việc ôn luyện và học tập khi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có nhiều thay đổi.

Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2015 với rất nhiều điểm mới từ thời điểm tổ chức thi, cách thức tuyển sinh cho đến độ phân hóa đề, thang điểm… Điều các trường băn khoăn bây giờ là trong năm đầu tiên triển khai một kỳ thi quốc gia “2 chung” mà xuất hiện quá nhiều điểm mới như vậy liệu các trường có kham nổi và thí sinh có theo kịp hay không?

Cảm giác đầu tiên sau khi đọc nội dung Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 của em Đặng Trần Ngọc, học sinh trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) là lo lắng. “Em đang băn khoăn về việc Bộ GD-ĐT chuyển sang thang điểm 20. Em không biết như vậy thì mức độ đánh giá sẽ chi tiết như thế nào và mức độ phân hóa trong đề thi sẽ ra sao” - học sinh Đặng Trần Ngọc bày tỏ.

Không chỉ băn khoăn về việc Bộ GD-ĐT có thể sử dụng thang điểm mới như Đặng Trần Ngọc, học sinh khối 12 trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) còn đối mặt với nhiều mối lo khác. Cụm thi mới sẽ như thế nào, đề năm nay phân hóa ra sao, các trường có thay đổi quá nhiều trong công tác tuyển sinh hay không… hiện là mối quan tâm hàng đầu của các em học sinh.

Thầy Nguyễn Đức Chính, Hiệu trưởng trường THPT Trần Văn Giàu đề cập về những lo lắng của học sinh: “Năm 2014, một trường thì thành lập một hội đồng thi. Còn với năm 2015, các em học sinh lo lắng vì không biết có được thi tại hội đồng trường hay không. Bên cạnh đó là một số em học sinh yếu sợ với đề thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ như năm nay thì khó đạt được điểm trung bình".

Do là năm đầu tiên và thời gian chuẩn bị để thích nghi cho sự đổi mới cũng chỉ vỏn vẹn vài tháng nên nhiều trường THPT tại TP.HCM không biết phải tổ chức ôn tập như thế nào để học sinh thi đạt kết quả cao nhất. Các trường lo nếu khi ôn tập chỉ xoáy vào chương trình lớp 12 mà trong đề thi sắp tới, Bộ có những phần liên quan đến kiến thức lớp 10 và lớp 11 thì sẽ thiệt thòi lớn cho học sinh cũng như ảnh hưởng đến uy tín của giáo viên. Còn nếu giáo viên dạy một cách dàn trải theo chương trình thi đại học, cao đẳng của những năm trước rồi đến khi thi “2 chung”, đề Bộ ra chỉ xoay quanh kiến thức lớp 12 thì sự dàn trải rõ ràng là không hiệu quả và tạo áp lực cho học sinh yếu, kém.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định cho biết: “Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12. Nhưng chúng tôi không hiểu, chủ yếu là bao nhiêu phần trăm. Sắp tới đây, trong phần ôn tập cho các em thi, chúng tôi sẽ phải ôn tập như thế nào. Chúng tôi mong muốn Bộ cho chúng tôi được biết cấu trúc đề thi năm nay. Như vậy chúng tôi sẽ yên tâm hơn trong việc sắp xếp thời gian ôn tập cho các em”.

Ngày thi không còn xa trong khi chưa nắm được những hướng dẫn, quy định cụ thể từ Bộ GD-ĐT cũng như Sở GD-ĐT nên nhiều giáo viên phải vừa dạy cầm chừng, vừa nghe ngóng thông tin.

Thầy Nguyễn Tấn Đạt, giáo viên bộ môn Vật lý, trường THPT Trần Văn Giàu lo lắng: “Bản thân giáo viên như tôi thấy băn khoăn vì không có sự chỉ đạo nào hết. Chúng tôi ở đây chỉ biết đảm bảo đầy đủ chương trình, bám sát theo sách giáo khoa”.

Giảng dạy trong thế “bị động”, giáo viên chỉ còn cách chọn giải pháp an toàn là ôn tập tích hợp cả kiến thức thi tốt nghiệp THPT như mọi năm và các đề thi ĐH, CĐ gần nhất. Bên cạnh việc muốn biết được cấu trúc đề thi năm 2015 để chủ động tổ chức ôn tập thì các trường THPT cũng mong sớm nắm được thông tin tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng nhằm có định hướng tốt nhất cho các em học sinh.

Trong khi các trường phổ thông “đứng ngồi không yên” chờ Bộ chốt lại những thay đổi cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 thì tình hình tại các trường ĐH, CĐ cũng không khá hơn. Nếu không có gì thay đổi, năm 2015, mỗi thí sinh sẽ có tất cả 16 nguyện vọng đăng ký tương đương với 4 đợt xét tuyển.

Bộ GD-ĐT cho rằng, sự đổi mới này sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, thế nhưng nhiều trường đại học lại lo tuyển nhiều đợt sẽ rối. Ông Trần Lê Quan, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho biết: “Bốn đợt xét tuyển như vậy thì cũng có sự chênh lệch thời gian giữa các đợt cho nên nếu tổ chức thành bốn lần nhập học sẽ gây khó khăn cho các trường. Một mối lo nữa mà chắc trường nào cũng gặp là vấn đề kinh phí. Không biết năm nay Bộ phân bổ kinh phí để tổ chức kỳ thi như thế nào”.

Đổi mới thi cử là điều rất cần thiết, thế nhưng việc Bộ GD-ĐT đổi mới quá nhiều và quá nhanh cho một kỳ thi quan trọng ngay trong năm đầu tiên triển khai đang khiến nhiều trường bối rối. Mong rằng, những ý kiến phản hồi từ phía người dạy và người học sẽ được Bộ ghi nhận để kịp thời có những chỉnh sửa, thay đổi phù hợp khi đưa ra quy chế chính thức vào đầu năm sau.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước