Hành trình qua 14 quốc gia và giành học bổng Chevening của cô giáo trẻ 9X

Theo VOV-Thứ bảy, ngày 16/09/2017 06:13 GMT+7

Tôn Nữ Tường Vy trò chuyện cùng người dân trong trại tị nạn dọc biên giới Thái Lan - Myanmar (Ảnh: Heather).

VTV.vn - Gặp Tôn Nữ Tường Vy, có lẽ ít ai có thể hình dung được cô gái nhỏ nhắn 27 tuổi ấy lại có những trải nghiệm táo bạo, đầy mạo hiểm nhưng rất đáng ngưỡng mộ qua 14 quốc ga.

Với niềm đam mê mãnh liệt khám phá thế giới,Tôn Nữ Tường Vy đã tự bước qua mọi ranh giới để đi tìm những điều mới mẻ, hơn hết là để hiểu và khao khát cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Nhờ đó, Vy có cơ hội được trải nghiệm đủ "mùi" cuộc sống của người dân từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển hay còn nhiều khó khăn.

Những chuyến đi không biên giới

Sinh ra và lớn lên ở một xã còn nhiều khó khăn Cam Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, nhưng Tôn Nữ Tường Vy luôn khao khát bước ra ngoài khám phá thế giới.

Năm 2011, khi đang học tại ĐH Mở TP. HCM, Tường Vy là sinh viên Việt Nam duy nhất tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Đổi mới Giáo dục Quốc tế tại Qatar. Chuyến đi ấy không chỉ đơn giản là lần đầu tiên được đi nước ngoài của Vy, mà nó còn mở ra trước mắt cô nữ sinh cả thế giới mới lạ, rộng lớn và đầy hấp dẫn về cuộc sống vùng Trung Đông, từ đó thôi thúc cô xách ba lô để khám phá những vùng đất khác.

Sau khi tốt nghiệp, Vy làm biên dịch viên ở 2 công ty, nhưng vẫn không ngừng mơ ước làm giáo dục. Bởi vậy, cô tiếp tục đăng ký ứng tuyển nhiều chương trình hội thảo, tình nguyện quốc tế, đào tạo ngắn hạn được đài thọ toàn bộ, học bổng chính phủ để du học Thạc sĩ và dành dụm tiền để du lịch bụi nước ngoài.

Vy đã luôn cố gắng tiết kiệm tiền, tranh thủ thời gian và cân bằng công việc để có tiền trang trải cho những hoạt động của mình. Đến nay, Tường Vy đã đi 14 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Nhật Bản, Mỹ. Không muốn đi kiểu hưởng thụ như du khách, cũng không muốn chỉ "phượt" một cách vô định và thuần cảm xúc, Tường Vy chọn cách kết hợp giữa các chương trình để học hỏi thêm kiến thức và du lịch bụi đến những nơi có vấn đề xã hội như vùng xung đột, biên giới, trại tị nạn. Những nơi ấy khiến cô hiểu về cuộc sống người dân tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, đồng thời học tập những mô hình sáng tạo của người dân mà không sách vở hay báo chí nào đề cập.

Tường Vy vẫn nhớ như in chuyến đi đến khu vực xung đột Hồi giáo ở miền Nam Philippines giữa năm 2017. Cô đã "to gan" vào một khu làng chài, tâm điểm của bạo lực và buôn ma túy. Đang khám phá đời sống của người dân thì bất ngờ lịch về của cô bị lộ đến tai một gia đình thuộc phe đối lập chính trị ở làng này. Vy đứng trước nguy cơ bị ám sát trên con đường dài băng qua mấy ngọn núi trước khi đến sân bay. Trước đó, đã không ít phóng viên đến vùng đảo này tác nghiệp bị bắt cóc, thậm chí phải bỏ mạng. Do đó, cô đã tìm đến thị trưởng để nhờ giúp đỡ, cuối cùng, cô gái ấy đã may mắn trở về an toàn bằng xe riêng của thị trưởng và cảnh sát có vũ trang đi kèm.

Hành trình qua 14 quốc gia và giành học bổng Chevening của cô giáo trẻ 9X - Ảnh 1.

Tường Vy ( áo xanh) trò chuyện cùng người dân trong vùng xung đột, đảo Mindanao, miền Nam Philippines (Ảnh: Raihan).

Tường Vy chia sẻ, đó là chuyến đi nguy hiểm nhất mà cô từng trải qua. Nhưng dường như những nguy hiểm rình rập không thể hù dọa cô gái nhỏ bé mà đầy nội lực ấy.

Những câu chuyện của Vy ly kỳ chẳng kém gì tiểu thuyết trinh thám. Trong một lần khác đến Ấn Độ, cô đã không thuê khách sạn nên đã phải trải qua nhiều thử thách để có thể xin ngủ nhờ nhà dân.

Cuối năm 2016, cô một mình lên trại tị nạn ở biên giới Myanmar - Thái Lan để tìm hiểu về cuộc sống của người dân. Tại đây cô phát hiện ra rằng có nhiều gia đình vốn ở trung tâm kinh tế Yangon vào trại để được tiếp cận một nền giáo dục tốt hơn, giá rẻ hơn do các tình nguyện viên đến từ New Zealand hay Úc giảng dạy.

"Điều này khiến mình vừa tâm đắc, vừa đau xót vì người ta không thể học tử tế trong nước, mà phải chấp nhận nguy hiểm vào trại tị nạn để hưởng nền giáo dục tốt hơn một chút", Vy tâm sự.

Không ít vất vả, lo lắng, nguy hiểm, nhưng Vy đã có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, làm phong phú thêm vốn sống của một cô gái tuổi mới chỉ ngoài 20. Vy luôn tin rằng những vốn liếng đa ngành thu nhặt được từ trải nghiệm thực tế sẽ hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống sau này.

Sau tất cả là đam mê nghề giáo

Sau những chuyến phiêu lưu để trải nghiệm và học tập, cô gái trẻ sinh năm 1990 vẫn quyết định trở về TP. Hồ Chí Minh để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo.

Khi được hỏi về mong muốn gắn bó với nghề cầm phấn trắng, bảng đen, Vy cho hay, cô sinh ra trong gia đình có 3 anh chị đều là giáo viên tiếng Anh, nên từ sớm cô đã được tiếp cận và yêu thích cái nghề đầy ý nghĩa này.

Vy từng ước mơ học quản lý giáo dục. Nhưng càng tìm hiểu, cô càng nhận thấy bản thân không phù hợp với công việc quản lý và hành chính. Cô muốn tạo ra những thay đổi từ dưới lên, trực tiếp thông qua phương pháp giảng dạy.

Nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa của việc cô gái sinh năm 1990 dành mọi tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục bởi chính cô cũng đã từng trải qua giai đoạn học đường không lặng sóng. Với cá tính mạnh, thích sự tự do, sáng tạo, ghét lối mòn và khuôn mẫu, Vy đã gặp không ít khó khăn để vừa cố gắng giữ điểm tốt để qua được các kì thi, vừa làm đúng với suy nghĩ của mình. Thậm chí cô nàng đã từng bị trầm cảm nặng và nhiều lần tự tử hụt thời cấp 3. Thấu hiểu và từng trải nên Vy luôn mong muốn sẽ tạo ra một điều gì đó mới mẻ hơn cho nền giáo dục nước nhà, để thế hệ sau không phải "vật vã" như cô.

Sau này, khi đồng sáng lập Friends English Center, các lớp học của Vy đều được thiết kế theo cách mới lạ, sáng tạo, rèn luyện khả năng tư duy phản biện và tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh.

Ngoài việc dạy học, Vy còn kể lại những trải nghiệm lý thú của bản thân qua cuốn sách đầu tay "Bên kia ranh giới - Cánh cửa nào cần mở với chìa khóa giáo dục?

Đầu tháng 9/2017, sau hai năm ứng tuyển không thành công, cuối cùng Vy đã được chính phủ Anh trao học bổng toàn phần Chevening danh giá. "Tôi đã trượt rất nhiều chương trình quốc tế và học bổng nhưng không bỏ cuộc. Tôi tin nếu kiên trì với mục tiêu học hỏi về xã hội - giáo dục ở nước ngoài, sẽ có ngày thần may mắn mỉm cười với mình", Vy chia sẻ.

Tường Vy sẽ có một năm học chương trình Thạc sĩ Giáo dục và Phát triển Quốc tế tại University College London (UCL) tại Vương quốc Anh. Cô giáo trẻ cho biết sẽ trở về Việt Nam để thực hiện dự án giáo dục của riêng mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước