Hội đồng tự quản có làm thay đổi tổ chức lớp học?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/07/2015 15:58 GMT+7

VTV.vn - Đây là nội dung được phóng viên VTV đưa ra trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh, chuyên gia giáo dục tiểu học trong chương trình Thời sự 12h ngày 19/7.

Tới đây, khi Dự thảo điều lệ trường tiểu học được thông qua, việc được bầu Hội đồng tự quản học sinh sẽ được áp dụng với tất cả 15.000 trường tiểu học trên cả nước. Tuy nhiên, đang có những luồng ý kiến khác nhau khi tồn tại các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản trong một lớp tiểu học.

Vậy mô hình tự quản này có ảnh hưởng gì đến việc học hay tâm lý của học sinh tiểu học? Có gì mâu thuẫn giữa vị trí lớp trưởng hiện nay với chủ tịch hội đồng tự quản? Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh, chuyên gia giáo dục tiểu học về vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh (phải)

Việc lập hội đồng tự quản với chức danh chủ tịch hội đồng đang tạo ra nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, tên chức danh này quá kêu, dễ tạo ra áp lực cho học sinh. Theo bà, việc hội đồng tự quản có làm thay đổi tổ chức lớp học hay không?

PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh: Ở phương diện khoa học của hội đồng tự quản, chúng ta phải hiểu tại sao có hội đồng tự quản và hội đồng tự quản là gì? Hội đồng tự quản là 1 trong 5 yếu tố làm nên mô hình trường tiểu học mới. Mô hình trường tiểu học mới đã thay đổi rất nhiều yếu tố của quá trình dạy học như tổ chức lại nội dung, thay đổi phương pháp, thay đổi vai trò của giáo viên, học sinh trong lớp học.

Nếu ở lớp học truyền thống, vai trò của giáo viên là người quản lý lớp học thì ở mô hình tiểu học mới, vai trò của giáo viên chỉ là người hướng dẫn, tổ chức, hỗ trợ các hoạt động của học sinh. Học sinh có vai trò tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên và các em sẽ tự đánh giá, quản lý lớp học.

Khi có nhiều đổi mới như vậy, mô hình quản lý lớp học tất yếu phải đổi mới theo. Trong mô hình lớp học truyền thống, giáo viên lập ra kế hoạch thực hiện ở lớp học của mình và giáo viên chỉ ra được một đội ngũ giúp việc cho mình là ban cán sự lớp. Thế nhưng, trong mô hình trường tiểu học mới, người lập kế hoạch là học sinh - theo sự hướng dẫn của giáo viên, người thực hiện kế hoạch và đánh giá kế hoạch cũng là học sinh. Vì vậy, các em phải có tổ chức của các em để làm việc này và đó chính là hội đồng tự quản.

Hội đồng tự quản có chức năng khác với chức năng của ban cán sự lớp. Em chủ tịch hội đồng tự quản cũng có chức năng khác với chức năng của lớp trưởng trước đây.

Với mô hình mới, vai trò của giáo viên là giám sát định hướng cho học sinh. Vẫn đang có ý kiến cho rằng, liệu đây có phải "bình mới rượu cũ" hay không khi việc bầu chọn trong lớp vẫn do giáo viên định hướng?

PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh: Trước đây việc chỉ định lớp trưởng là do giáo viên còn bây giờ, giáo viên sẽ tham vấn với học sinh khi học sinh thành lập hội đồng tự quản. Giáo viên sẽ tham vấn bằng cách đưa ra những tiêu chí để các em lựa chọn nhưng việc bình chọn vẫn do các em tiến hành trực tiếp.

Mỗi khái niệm cần có một thuật ngữ biểu thị. Hội đồng tự quản chỉ khái niệm đây là một tổ chức quản lý lớp học của học sinh, do học sinh thiết lập ra và thực hiện. Có thể theo cách nghĩ của người lớn, thuật ngữ này có vẻ to tát nhưng với trẻ em chưa hẳn như vậy. Tôi hình dung, một học sinh học ở lớp học truyền thống biết người lãnh đạo lớp mình là lớp trưởng và ban cán sự là ban lãnh đạo thì em học sinh ở lớp học theo mô hình mới sẽ hiểu người lãnh đạo là chủ tịch.

Nếu như một trường tiểu học theo mô hình mới vẫn thích thuật ngữ lớp trưởng để gọi thay cho chủ tịch hội đồng tự quản thì tôi cho rằng, đây cũng là một phương án và chúng ta không nên áp đặt. Tuy nhiên, dù gọi là gì thì em học sinh này cũng phải thực hiện chức năng của chủ tịch hội đồng tự quản và thực hiện nhiệm vụ của hội đồng tự quản chứ không phải nhiệm vụ là lớp trưởng như trước đây.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước