Khó khăn trong chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập tự chủ về tài chính

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 26/03/2018 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sau năm học 2017 - 2018, 13 trường tại Bình Định sẽ tự chủ hoàn toàn về tài chính. Tuy nhiên, đến nay việc chuyển đổi này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Từ năm 2011, tỉnh Bình Định có 7 huyện, thị xã, thành phố xây dựng Đề án chuyển đổi 13 trường mầm non bán công sang trường công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định. Theo đó, sau năm học 2017 - 2018, 13 trường sẽ tự chủ hoàn toàn về tài chính. Tuy nhiên, đến nay việc chuyển đổi này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Tăng học phí, giảm học sinh 

Trong số 13 trường thuộc diện chuyển đổi có 5 trường mầm non tại thành phố Quy Nhơn, 2 trường tại thị xã An Nhơn, 2 trường tại huyện Hoài Nhơn, 4 trường còn lại thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn, Phù Mỹ. Tại thời điểm khảo sát lập đề án năm 2011, các trường mầm non bán công này có điều kiện thuận lợi hơn các trường khác như nằm ở vị trí trung tâm, cơ sở vật chất tốt, các trường lân cận không tổ chức bán trú… 

Các trường công lập, công lập tự chủ một phần được quan tâm đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xây dựng trường chuẩn quốc gia nên cơ sở vật chất khang trang và đồng loạt tổ chức bán trú. Tuy nhiên, khi thực hiện thu chi theo hướng tăng dần học phí để giảm dần ngân sách, những trường thuộc đề án không cạnh tranh được với các trường mầm non khác trong khu vực. 

Theo tính toán của các trường trong đề án, nếu tính tổng chi phí thì mức thu đối với mỗi trẻ sẽ từ 1,6 - 2,5 triệu đồng/tháng tùy theo trường ở khu vực nông thôn hay thành phố. Với mức thu trên, nhiều phụ huynh sẽ lựa chọn gửi con đến những nơi có mức học phí thấp hơn. Điều này dẫn đến nguy cơ học sinh giảm, quy mô trường lớp bị phá vỡ, mô hình trường tự chủ về tài chính khó tồn tại. Đơn cử trong 6 năm qua, số lượng học sinh của 13 trường mầm non này đã giảm 7 lớp với 848 trẻ. 

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự, giáo viên các trường trong đề án chưa đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ và chưa có các dịch vụ phụ thêm như cơ sở mầm non tư nhân nên khó thu hút được học sinh như trước. 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định Phan Thanh Liêm cho biết: Qua kết quả khảo sát thực tế, 13 trường trong đề án đều không đủ khả năng có thể tự cân đối tài chính chuyển sang tự chủ hoàn toàn trong năm học 2018 - 2019. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, huyện, thị xã và các trường mầm non, mẫu giáo đều kiến nghị UBND tỉnh cho phép 13 trường nói trên chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần về tài chính được thu học phí theo Quyết định 55/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định. 

Các trường, địa phương chưa quyết tâm 

Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện đề án, nhiều đơn vị còn rất lúng túng. Điển hình, huyện Phù Cát không tuyển dụng biên chế khi thực hiện chuyển đổi theo đề án cho giáo viên, nhân viên Trường 19/5 để họ yên tâm công tác (21/34 giáo viên, nhân viên của trường chưa được tuyển vào biên chế). Nhiều địa phương không sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên, nhân viên, người lao động hợp lý để trẻ hóa đội ngũ, giảm chi lương… 

Một trong những nguyên nhân khiến các trường gặp khó khăn trong thực hiện đề án đó là đội ngũ cán bộ, giáo viên đa phần đều lớn tuổi, phương pháp dạy học không còn hiệu quả nên khó thu hút học sinh… 

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quy Nhơn: Các trường trong đề án khó có thể cạnh tranh với các trường tư thục được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, hoạt động theo cơ chế tự chủ năng động, hiệu quả… Ngoài ra, học phí các trường tư thục cũng khá cạnh tranh, có nơi thấp bằng một nửa mức thu của các trường thuộc diện đề án nên thu hút được khá nhiều học sinh. 

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng: Đề án là chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh Bình Định, đã được bàn bạc và đưa ra lộ trình thực hiện tối ưu. Nếu các trường công lập tự chủ về tài chính không cạnh tranh được với các trường tư thục là do chính cán bộ, giáo viên chưa chuyển đổi trong tư duy. Các trường công lập cần học tập, cải tiến cách hoạt động để tự tháo gỡ khó khăn, không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Đơn cử như linh hoạt trong giờ giấc đưa đón trẻ để phụ huynh yên tâm công tác, trẻ hóa đội ngũ giáo viên để bắt kịp xu hướng nuôi dạy trẻ mới… Nếu các trường không tự chuyển đổi được, có thể tính đến việc giao cho các nhà đầu tư bên ngoài thực hiện theo hướng xã hội hóa. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường, giáo viên đều phải chủ động, sẵn sàng chuyển đổi cách suy nghĩ, cách làm việc hiệu quả, tránh tâm lý ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước