Lưu ý khi chọn nhóm ngành kinh tế

Tư vấn TS-Chủ nhật, ngày 23/02/2014 08:57 GMT+7

Nhóm ngành Kinh tế luôn thu hút sự quan tâm của học sinh khi chọn ngành nghề. Tuy nhiên, để bảo đảm nhu cầu việc làm, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn những kỹ năng cần thiết khi chọn nhóm ngành Kinh tế.

Những tố chất cần thiết

Tiến sĩ Dương Tấn Diệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM tư vấn cho học sinh:

- Muốn chọn ngành kinh tế, đầu tiên học sinh cần có tính năng động và sự ham thích các hoạt động quản lý, mua bán.

- Người thích làm những công việc mang tính thách thức, có tính tương tác cao sẽ phù hợp khi chọn lựa vào ngành kinh tế. Chẳng hạn, nếu thích theo dõi tiền tệ, tài chính học sinh này có thể phù hợp khi chọn thi vào ngành tài chính ngân hàng. Hoặc đơn giản, nếu thấy mình thích quan sát cách trưng bày trong các siêu thị, có thể sẽ phù hợp với marketing. Người yêu thích sự di chuyển, quan tâm đến các nền văn hóa khác nhau thì có thể dự thi vào ngành quản trị du lịch. Trong khi đó, để thi ngành kế toán kiểm toán thí sinh cần có tính tỉ mẩn, cẩn thận...

- Tóm lại, người phù hợp với nhóm ngành kinh tế cần có óc quan sát, khả năng lãnh đạo, gây được ảnh hưởng của mình tới người khác, sáng tạo, có suy nghĩ giải quyết độc lập, giao tiếp tốt...

Ngành kinh tế gồm những chuyên ngành nào?

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM giải đáp: Nhóm ngành này có nhiều chuyên ngành. Hiện
Trường ĐH Kinh tế có khoảng 25 ngành, chuyên ngành thuộc kinh tế, quản trị kinh doanh như: kinh tế nông nghiệp; nhóm ngành quản trị gồm: quản trị tổng hợp, ngoại thương, thương mại, quản trị doanh nghiệp, chứng khoán, ngân hàng…

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đào đạo nhóm ngành kế toán, kiểm toán, luật kinh doanh… Các em thi vào nhóm ngành này phải có tính năng động, ham thích trao đổi mua bán hay có những tố chất cần thiết về kinh doanh.

Học phí khối ngành kinh tế

- Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho hay: Lộ trình tăng học phí sẽ có bước phù hợp nhưng sẽ không quá cao. Năm 2013 - 2014: học phí khoảng 4,8 triệu đối với học kì 1,khoảng 5,5 triệu đồng đối với học kì 2.

- Tiến sĩ Dương Tấn Diệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế- Tài chính TP.HCM cho biết: Theo công bố, đào tạo đại học ở trường ĐH Kinh tế - Tài chính học phí hơn 70 triệu/năm còn hệ cao đẳng là 55 triệu/năm.

Cơ hội việc làm nhóm ngành kinh tế

Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật giải đáp:

- Do nền kinh tế đang suy thoái nên tình hình chung là cũng khó tìm việc ở những ngành trên, tuy nhiên dự kiến khoảng 4 – 5 năm nữa khả năng kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại, lúc đó lại cần đến nguồn nhân lực để đáp ứng.

- Việt Nam đang hội nhập thế giới nên vài năm nữa, các bạn không chỉ cạnh tranh với nguồn nhân lực trong nước mà còn ở các nước trong khu vực và trên thế giới nên các bạn phải thật sự yêu thích ngành học của mình, tích lũy kiến thức ở trường, có kỹ năng nghề nghiệp như kỹ năng thuyết phục, làm việc nhóm, tin học, ngoại ngữ...

- Chia sẻ thêm, tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng cơ hội việc làm lĩnh vực này do chính bản thân người học quyết định. “Tình trạng thất nghiệp hiện nay là có thật nhưng không đồng đều. Xã hội đang thừa người có bằng ĐH nhưng thiếu người có bằng ĐH giỏi thực sự. Các ngân hàng vẫn tuyển dụng dù quy mô có hạn chế hơn. Do vậy, quan trọng là phải kiên định và chuẩn bị hành trang tìm việc của mình theo đúng yêu cầu xã hội đặt ra. Ngoài ra sinh viên cần trang bị các kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng ngoại khóa.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước