Nghệ An tháo gỡ khó khăn trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 21/12/2015 07:35 GMT+7

Ảnh minh họa. Nguồn: www.tin247.com

VTV.vn - Nghệ An triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tập trung các nguồn lực đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học.

Tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu đến cuối năm 2015 có 987 trường trong tổng số 1.564 trường mầm non và phổ thông (chiếm tỷ lệ 65%) đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm giữa tháng 12/2015 Nghệ An mới chỉ có 927 trường đạt chuẩn quốc gia. Trước thực tế này, tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tập trung các nguồn lực đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học mà quan trọng hơn là nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đặc biệt, chủ trương này đã phát huy trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc huy động các nguồn lực cùng tham gia phát triển giáo dục và đào tạo. Để thực hiện mục tiêu đạt 65% trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, ngành giáo dục và ggào tạo Nghệ An tập trung thực hiện ba nhóm giải pháp chính là đầu tư tăng cường cơ sở vật chất; phát triển đội ngũ và nâng cao chất lượng giáo dục.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học gắn với đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ và hiện đại. Tỉnh đã có cơ chế cụ thể để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt là xây dựng phòng thiết bị, thí nghiệm, thực hành đạt chuẩn; tăng nguồn từ ngân sách tỉnh hỗ trợ các trường vùng khó khăn xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Trong điều kiện còn khó khăn về biên chế, ngành giáo dục và ggào tạo tỉnh Nghệ An cũng đề nghị UBND tỉnh có các quy định về giao chỉ tiêu hợp đồng giáo viên tiểu học và mầm non để đảm bảo định mức tiêu chuẩn đội ngũ. Ở cấp trung học cơ sở, các Phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND huyện bố trí đội ngũ giáo viên một cách hợp lý để đảm bảo cân đối về cơ cấu bộ môn, phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Ngành giáo dục Nghệ An cũng chỉ đạo, tại các trường học trên địa bàn tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, đa dạng hóa hình thức dạy học.

Ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An cũng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Ở cấp tiểu học, ngành tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày ở những nơi có điều kiện.

Thực tế thời gian qua, chính quyền nhiều huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đưa nội dung này vào nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tỉnh Nghệ An cũng đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, bố trí nguồn kinh phí cho việc thực hiện các chương trình mục tiêu, đề án phát triển giáo dục trên địa bàn, có cơ chế hỗ trợ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học. Trong 5 năm, tổng kinh phí huy động được từ sự ủng hộ của nhân dân, các doanh nghiệp, các dự án nước ngoài cho giáo dục và đào tạo lên đến gần 1.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mạng lưới trường lớp hiện nay ở Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều trường trung học cơ sở có quy mô quá nhỏ (dưới 10 lớp), nhiều trường Mầm non, Tiểu học ở vùng miền núi còn quá nhiều điểm trường, không thể tập trung để xây dựng, huy động nguồn lực xã hội hóa. Không ít trường đã đạt chuẩn nhưng sau một thời gian lại xuống cấp, hư hỏng. Nhiều trường còn thiếu phòng học, lớp học chưa kiên cố, hệ thống công trình vệ sinh, nước sạch chưa đảm bảo, thiết bị dạy học thiếu và chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên hiện chưa đáp ứng các tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Với bậc học Mầm non, theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bán trú quy định phải có tối thiểu 2 giáo viên/lớp và phải đồng bộ về cơ cấu. Trong khi đó, hiện nay tỉnh Nghệ An chỉ cho phép bố trí giáo viên mầm non với tỷ lệ là 1,5 giáo viên/lớp và thực tế các huyện mới bố trí 1,3 giáo viên/lớp nên ở một số trường mặc dù các tiêu chuẩn khác đã đạt nhưng không được công nhận vì tiêu chuẩn 2 chưa đạt. Ở bậc trung học cơ sở còn diễn ra thực trạng thừa – thiếu giáo viên giữa các bộ môn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước