VTV.vn - Năm học 2023-2024 đã bắt đầu nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc đổi mới giáo dục đào tạo.

Năm học 2023-2024 đã bắt đầu. Công cuộc đổi mới đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, mà một trong những nhiệm vụ chính là triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang ở giai đoạn quan trọng, mang tính quyết định thành hay bại.

Năm học mới này có khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên, hơn 1,2 triệu giáo viên. Nghĩa là, năm học mới đã bắt đầu trực tiếp tác động tới ít nhất 1/4 dân số cả nước.

Năm học mới 2023-2024 đã bắt đầu và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang ở giai đoạn quan trọng, mang tính quyết định thành hay bại.

Năm học 2023-2024, các thầy, cô giáo và học sinh tiếp tục bước vào giai đoạn quan trọng của quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh lớp 4, lớp 8, lớp 11 sẽ học sách giáo khoa mới. Và năm sau, việc thay sách giáo khoa sẽ được thực hiện ở các lớp còn lại là lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Tuy vậy, có vẻ những khó khăn, thách thức đang ngày một lớn hơn.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới hay còn được gọi là Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vì được ban hành vào năm 2018. Chương trình này được đăng tải trên trang điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tất cả mọi người đều có thể dễ dàng đọc được.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới và rất nhiều câu hỏi ‘vì sao?’


Chương trình Giáo dục phổ thông liên quan chặt chẽ đến việc vì sao lại có nhiều bộ sách giáo khoa, vì sao có các môn học tích hợp, vì sao lại dạy tiếng Anh và Tin học bắt buộc từ lớp 3. Và còn rất nhiều câu hỏi vì sao… mà dư luận trong mấy năm gần đây đặt ra.

Ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: "Với gần 1.000 trang, chương trình đã được đăng tải rộng rãi để cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông: Phát triển toàn diện học sinh về đức – trí – thể - mĩ; được cụ thể hóa theo từng cấp học; căn cứ vào đó, xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học. Trong từng chương trình môn học, nội dung đều nhằm vào mục tiêu phát triển năng lực ấy. Muốn đạt mục tiêu đó của chương trình, học sinh phải được trang bị, được nắm chắc về kiến thức phổ thông, không chỉ thế, học sinh phải biết sử dụng kiến thức đó để giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống cũng như các mối quan hệ khác vừa để phát triển bản thân, đồng thời đóng góp cho gia đình, xã hội.

Nhiều thách thức với Chương trình GDPT 2018: Đổi mới giáo dục đào tạo liệu có đạt mục tiêu? - Ảnh 2.

Vai trò của giáo viên sẽ phải thay đổi. Giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà theo yêu cầu cần đạt của từng nội dung trong chương trình, giáo viên phải là người tổ chức, định hướng, kiểm tra hoạt động của học sinh. Học sinh phải được tự chủ trong quá trình học, tích cực, tự lực, sáng tạo trong quá trình học, qua đó phát triển được năng lực, phẩm chất được quy định trong chương trình".

Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Như vậy, từ lúc quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới giáo dục hình thành cho đến khi chính thức thực hiện vào năm 2020, là 7 năm. 7 năm để chuẩn bị. Thế nhưng đến lúc này, dù việc thực hiện chương trình mới đã bước vào năm thứ 4, song ngành Giáo dục vẫn đang thiếu các nguồn lực quan trọng để triển khai.

Tọa đàm: Thách thức với chương trình phổ thông 2018

4 năm triển khai chương trình mới nhưng vẫn ‘thiếu đủ thứ’


Chương trình Giáo dục phổ thông mới đang được triển khai nhưng thiếu đầu tiên là giáo viên. Một vấn đề của các địa phương hiện nay là không có nguồn giáo viên để tuyển dụng. Theo luật Giáo dục được Quốc hội thông qua năm 2019, giáo viên tiểu học phải có bằng từ đại học trở lên. Điều này gây khó với những giáo viên chỉ có bằng cao đẳng. Trong khi với các địa phương vùng khó khăn, học sinh để học lên đại học rất khó. Và nếu có bằng đại học các môn như tiếng Anh, Tin học thì nhiều người lại chọn những công việc nhàn hơn đi dạy mà lương cao hơn.

Về vấn đề thiếu giáo viên, ông Thành cho rằng, nguyên nhân không hẳn vì Chương trình giáo dục phổ thông mới gây ra sụt thiếu hụt giáo viên. "Bộ đã có hướng dẫn về tuyển bổ sung giáo viên nhưng việc thực hiện là tại các địa phương, phụ thuộc vào số lượng học sinh cụ thể, tùy thuộc vào đội ngũ giáo viên hiện có và xây dựng kế hoạch cụ thể để tuyển dụng giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới".

Nhiều thách thức với Chương trình GDPT 2018: Đổi mới giáo dục đào tạo liệu có đạt mục tiêu? - Ảnh 4.

Nhìn nhận về vấn đề thiếu giáo viên và tuyển dụng giáo viên ở các địa phương, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các địa phương, như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiến hành tổng rà soát toàn bộ đội ngũ giáo viên, theo đó tuyển dụng đủ số biên chế phân bổ cho ngành Giáo dục. Việc điều chuyển giáo viên giữa các trường, trường thừa giáo viên hỗ trợ cho trường thiếu.

Hà Nội cần mới 30 trường mỗi năm, kéo theo đó, số lượng giáo viên cần tuyển lên tới hàng nghìn người. Do đó, chỉ tiêu biên chế Nhà nước giao không thể đủ. TP Hà Nội phải chủ động nguồn kinh phí để ký hợp đồng với giáo viên.

Nếu trụ cột quan trọng đầu tiên là giáo viên, thì trụ cột quan trọng thứ hai để Chương trình giáo dục phổ thông mới đem lại hiệu quả, đó là cơ sở vật chất. Tuy nhiên, tình trạng lớp học quá tải sĩ số, lớp học xuống cấp, thiếu thiết bị dạy học đang cản trở quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

"Tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng chức năng, thiếu thiết bị dạy học tối thiểu để đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới tại một số địa phương thuộc vùng khó khăn cần phải được quan tâm hơn để đầu tư thêm", ông Thành nhấn mạnh.

"Tổng chi ngân sách dành cho giáo dục khoảng 17,5%. Tổng chi đã khiêm tốn nhưng tỉ lệ chi lại không hợp lý. Đa số khoản chi ngân sách ở các địa phương là chi lương, tức là cho con người, có nơi thậm chí lên tới 90%. Trong khi đó, các khoản chi cho các hoạt động giáo dục lại rất hạn chế. Đây là thách thức lớn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới", bà Hoa phân tích.

Trong khi hai vấn đề lớn là thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất đang đang diễn ra trên quy mô cả nước, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục gặp thách thức về nội dung.

Năm 2022, Quốc hội đã quyết định thay đổi chương trình, khi chuyển môn Lịch sử từ học tự chọn thành môn học bắt buộc.

Trong cuộc trao đổi với giáo viên cả nước ngày 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian ngắn sắp tới, có thể sẽ có những xem xét, điều chỉnh việc triển khai các môn học tích hợp ở cấp THCS. Cân nhắc để việc điều chỉnh với các môn tích hợp không gây xáo trộn lớn.

Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất ở nhiều địa phương còn hạn chế và khó khăn trong dạy và học tích hợp đang là thách thức với Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiều câu chuyện từ thực tế mà phóng viên ghi nhận được trong 2 năm triển khai dạy và học theo chương trình và sách giáo khoa mới đã cho thấy vướng mắc lớn nhất là nội dung sách giáo khoa và giáo viên dạy môn học tích hợp. Nhất là việc việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý cấp THCS còn bất cập. Bởi vì thứ nhất, các giáo viên trước đây được đào tạo để dạy đơn môn. Lý do thứ hai là việc tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Trong bối cảnh giáo viên chưa được đào tạo bài bản về dạy môn học tích hợp, thì cơ sở vật chất, thiết bị dạy học lại thiếu, nên các trường đang phải thu vén theo nhiều cách khác nhau.

5 bộ SGK còn lại 3, Bộ GD&ĐT sẽ biên soạn SGK?


Nghị quyết 88 của Quốc hội có nêu "Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Giáo dục và đào tạo được dự toán cấp 16 triệu USD là vốn vay của Ngân hàng Thế giới để biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Nhưng một năm sau đó, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo không thực hiện được vì các chuyên gia biên soạn sách đã sớm ký hợp đồng biên soạn sách giáo khoa với các tổ chức và cá nhân. 16 triệu USD này được chuyển sang làm việc khác.

Năm học 2020-2021, năm đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có 5 bộ sách do các tổ chức, cá nhân tổ chức biên soạn và xuất bản.

- Bộ sách Cánh Diều

- Bộ sách Chân trời sáng tạo

- Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống

- Bộ sách Cùng học để phát triển năng lực

- Bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Từ 5 bộ SGK, sau 1 năm, hiện chỉ còn 3 bộ SGK được sử dụng.

Chỉ sau 1 năm thực hiện, hai bộ sách có tỷ lệ được chọn thấp nhất đã bị các nhà xuất bản quyết định không phát hành thêm. Hiện chỉ còn lại 3 bộ sách được sử dụng: Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống.

Tùy theo nhu cầu, có trường chọn 1 bộ sách, có trường lại kết hợp cả 3 bộ vào để dạy cho học sinh.

"Năm 2019, trong quá trình đấu thầu biên soạn lần đầu tiên, số lượng tham gia rất ít. Các tác giả không hứng thú biên soạn SGK của Bộ GD&ĐT nên không ký được hợp đồng để biên soạn. Bộ GD&ĐT đã báo cáo Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết 122: đối với các môn học có ít nhất 1 SGK được biên soạn theo cơ chế xã hội hóa thì không sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn", Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho hay.

Năm học mới 2023 – 2024 đã bắt đầu trong sự hứng khởi của cả thầy và trò. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành, là một thay đổi căn bản từ triết lý giáo dục tới thực hành sư phạm: Xây dựng theo định hướng mở, lấy người học làm trung tâm; đề cao tính chủ động của địa phương, trường học trong việc triển khai kế hoạch giáo dục, xã hội hóa sách giáo khoa, tạo không gian sáng tạo, đổi mới cho giáo viên. Sự thay đổi này là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đổi mới là cả một quá trình và chẳng bao giờ dễ dàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước