Những thay đổi trong Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2014

Hà Nội Mới-Thứ năm, ngày 13/03/2014 06:00 GMT+7

Bộ GD-ĐT đã ký thông tư sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2014 với nhiều thay đổi lớn trong tuyển sinh.

Trước hết, về quy định việc thực hiện tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, quy chế bổ sung các điều khoản để quy định các nội dung công việc mà cơ sở giáo dục đại học cần thực hiện, các nguyên tắc phải tuân thủ khi thực hiện tự chủ trong tuyển sinh; đồng thời cũng quy định những yêu cầu về cấu trúc và nội dung của đề án tự chủ tuyển sinh do các trường xây dựng.

Các trường tổ chức từ 1-2 lần tuyển sinh/năm

Hàng năm, các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy tổ chức một đến hai lần tuyển sinh, Bộ GD-ĐT quy định cụ thể thời gian tuyển sinh.

Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh: Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi (nếu có); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.

Kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác; Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định.

Hiện nay có 64 trường ĐH - CĐ gửi đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ. Sau khi ban hành thông tư sửa sửa đổi qui chế tuyển sinh, Bộ sẽ công bố các đề án phù hợp với qui chế để các trường triển khai thực hiện.


Bổ sung một số đối tượng ưu tiên

Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, chính sách tuyển thẳng giữ ổn định như năm 2013. Tuy nhiên, có một số điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung về đối tượng ưu tiên cho phù hợp với thực tiễn và các chính sách xã hội mới được ban hành. Một số mức ưu tiên cũng được điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng ưu tiên.

Bộ tiếp tục duy trì 4 khu vực ưu tiên bao gồm: khu vực I, khu vực II nông thôn, khu vực II, khu vực III. Điều chỉnh lại quy định về khu vực I: "Các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 theo quy định hiện hành".

Việc điều chỉnh này để đảm bảo sự phù hợp của Quy chế tuyển sinh với các văn bản mới, bao gồm: Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 và Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015.

Xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào thay điểm sàn

Thay thế cho tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây, năm 2014, căn cứ kết quả thi của thí sinh, Bộ GD&ĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH, CĐ đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo.

Sau khi công bố phương án điểm trúng tuyển, các trường công bố danh sách thí sinh trúng tuyển; công bố chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu còn chỉ tiêu để xét tuyển), gửi các sở GD&ĐT giấy triệu tập đối với thí sinh trúng tuyển, giấy chứng nhận kết quả thi trong đó ghi rõ kết quả thi của thí sinh (có đóng dấu đỏ của trường) đối với tất cả các thí sinh còn lại, kể cả thí sinh thi năng khiếu để các sở GD&ĐT chuyển cho thí sinh; Đối với thí sinh có nguyện vọng học tại trường không tổ chức thi, trường tổ chức thi có nhiệm vụ: in và gửi giấy báo dự thi, tổ chức thi, chấm thi.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước