Tân PGS trẻ nhất: Hạnh phúc hòa mình trong sự phát triển của dân tộc

Theo VOV-Thứ hai, ngày 07/11/2016 06:00 GMT+7

PGS Trần Xuân Bách với các đồng bào dân tộc ở Đăk Lăk.

VTV.vn - Chứng kiến những nỗ lực và tinh thần làm việc của các cán bộ y tế cơ sở, Phó giáo sư Trần Xuân Bách cảm thấy mình thật nhỏ bé...

Năm 2016, cả nước có 703 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư. Trong số đó, người trẻ nhất trong danh sách Phó giáo sư là nhà giáo Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, ngành Y học, trường ĐH Y Hà Nội.

Anh đã có hàng chục giải thưởng khoa học và hơn 60 bài báo trên các tạp chí Y học quốc tế uy tín trong hệ thống phân loại ISI.

Trong đợt trao giấy chứng nhận cho 703 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm nay, được biết anh là Phó Giáo sư trẻ tuổi nhất. Anh có thể chia sẻ suy nghĩ trên cương vị chức danh mới?

Phó Giáo sư Trần Xuân Bách: Sự ghi nhận của Hội đồng chức danh các cấp với một giảng viên trẻ như tôi thực sự là một niềm khích lệ lớn lao không chỉ dành cho tôi, mà dành cho tất cả các đồng nghiệp và cộng sự nghiên cứu trẻ đang say mê lao động khoa học.

Cột mốc quan trọng này là kết quả của một quá trình với rất nhiều sự kỳ vọng, công ơn dạy dỗ của các thầy cô, sự giúp đỡ của các anh chị đồng nghiệp và các cộng sự và đặc biệt là môi trường khoa học tích cực cũng như sự lãnh đạo thúc đẩy và kiến tạo mà tôi nhận được ở trường Đại học Y Hà Nội. Tôi biết ơn sâu sắc sự tin tưởng và ủng hộ mà các giáo sư trong Hội đồng và lãnh đạo Nhà trường đã cho tôi cơ hội, tiếp thêm nguồn năng lượng và cảm hứng to lớn để tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy.

Phó Giáo sư đã có hơn 60 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín và chỉ số ảnh hưởng khoa học (h-index) cao. Anh mong muốn và kỳ vọng gì khi theo đuổi các nghiên cứu của mình?

Phó Giáo sư Trần Xuân Bách: Đóng góp và ảnh hưởng của một cán bộ y tế không chỉ ở các bài báo quốc tế hay "chỉ số h", mà còn ở việc phụng sự, cứu chữa và chăm sóc người bệnh. Rất nhiều thầy cô của trường ngày đêm tận tình khám chữa bệnh và giảng dạy thực hành lâm sàng, đào tạo ra nhiều bác sĩ có tay nghề cao. Tôi cho rằng, đó là những chỉ số ảnh hưởng lớn nhất và quan trọng nhất.

Về phần mình, tôi chỉ dám nhận là mình cố gắng làm tốt nhiệm vụ của một cán bộ giảng dạy, một nghiên cứu viên trong lĩnh vực chuyên môn hạn hẹp của mình.

Các nghiên cứu mà tôi đã và đang thực hiện hướng đến một mục tiêu là góp phần xây dựng những nhóm nghiên cứu mũi nhọn - hạt nhân của mô hình Đại học Nghiên cứu. Trong đó, gắn kết quá trình tạo ra tri thức - nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu tại cơ sở học thuật - với quá trình sử dụng tri thức, nhằm đáp ứng nhu cầu về bằng chứng khoa học và thông tin chiến lược phục vụ phát triển chính sách của các cơ quan quản lý. Đồng thời, chúng tôi tiến hành nghiên cứu và can thiệp nhằm xác định và giải quyết những vấn đề y tế công cộng nổi cộm, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đa dạng và thay đổi nhanh chóng của cộng đồng.

Là một giảng viên trẻ ngành Y hăng say trong nghiên cứu khoa học và trong đào tạo các nghiên cứu viên trẻ, anh có thể cho biết những khó khăn mà mình đã gặp phải?

Phó Giáo sư Trần Xuân Bách: Với công việc nghiên cứu thì khó khăn rất nhiều. Ngay cả ở những nước phát triển có điều kiện tốt nhất, họ cũng luôn phải đối mặt với rất nhiều rào cản trong phát triển nghiên cứu và học thuật. Chúng tôi luôn coi những khó khăn là cơ hội để để rèn luyện bản lĩnh và sự kiên trì của mình và các cộng sự trẻ. Một nghiên cứu viên còn phải thường xuyên thách thức bản thân và vượt qua chính mình để tìm tòi và khám phá!

Phó Giáo sư có thể chia sẻ những kỷ niệm trong công việc mà anh nhớ mãi?

Phó Giáo sư Trần Xuân Bách: Kỷ niệm cũng rất nhiều và phong phú. Là cán bộ y tế công cộng, chúng tôi có cơ hội đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều con người, nhiều hoàn cảnh. Sự trải nghiệm và hòa nhập giúp chúng tôi hiểu được nhiều giá trị của cuộc sống, trân trọng những điều bình dị, những niềm vui đơn giản, thêm tin yêu và vững vàng với sứ mệnh nghề nghiệp của mình.

Có lần đi cùng các đồng đẳng viên tiếp cận các thanh niên có tiền sử sử dụng ma túy. Lắng nghe những trải nghiệm và khó khăn khiến các bạn tái nghiện nhiều lần. Có bạn nữ bảo tôi: "Em thấy anh thư sinh thế, thôi đừng "chơi" nữa, về sau như em hại người lắm". "Kiến thức và thái độ tốt" này gợi ý cho tôi thấy việc giải quyết các vấn đề sức khỏe hiện đại không thể chỉ đơn thuần từ các cách tiếp cận y sinh học, từ phía cán bộ y tế. Từ đó, tôi tập trung nghiên cứu nhiều hơn các khía cạnh hành vi, cấu trúc xã hội và dịch vụ y tế nhằm định hướng các can thiệp về y tế công cộng.

Rồi có những lúc, đi cùng các cán bộ y tế đến thăm các bà mẹ mới sinh con ở vùng núi hiểm trở, một bên là vực mà xe ôm lao vun vút trên con đường núi chỉ rộng khoảng hơn 1 mét trong những ngày mưa gió. Trải nghiệm cùng những khó khăn, chứng kiến nỗ lực và tinh thần của các cán bộ y tế cơ sở, tôi thấy mình thật nhỏ bé. Tôi hạnh phúc được hòa mình trong sự phát triển của dân tộc!

Hiện nay, công tác nghiên cứu khoa học cũng như việc đào tạo nghiên cứu viên trẻ ở các trường đại học vẫn còn hạn chế. Anh suy nghĩ và đóng góp ý kiến về những vấn đề này như thế nào?

Phó Giáo sư Trần Xuân Bách: Tôi cho rằng công tác nghiên cứu khoa học đã và đang được rất nhiều trường đại học ở Việt Nam quan tâm đầu tư và phát triển, đặc biệt, trong bối cảnh dần hình thành sự phân hóa rõ rệt giữa các trường đại học theo định hướng nghiên cứu, thực hành và ứng dụng.

Đối với các trường đại học nghiên cứu thì đặc trưng cơ bản là gắn kết quá trình đào tạo với quá trình nghiên cứu, phát kiến và chuyển giao công nghệ, cùng với sự tham gia sâu sắc của đối tượng người học.

Đối với các trường đại học ngành Y, tôi cho rằng trong ngắn hạn, có thể đẩy nhanh việc tổ chức các trung tâm nghiên cứu mũi nhọn liên ngành, phối hợp liên Viện – Trường, trọng tâm vào một số vấn đề sức khỏe cấp thiết, mở rộng khai thác các vấn đề dịch vụ và hệ thống y tế. Đồng thời, gắn kết quá trình nghiên cứu với việc sử dụng bằng chứng cho xây dựng chính sách và quản trị dịch vụ y tế, ưu tiên thúc đẩy hợp tác nghiên cứu với quốc tế theo chiều sâu và tăng cường công bố quốc tế.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, phát triển nghiên cứu không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực, mà còn cần hoàn thành những cột mốc mang tính thời điểm quyết định, tạo điều kiện cho những giai đoạn phát triển tiếp sau đó.

Việc tranh thủ lợi thế đi đầu đóng vai trò quyết định trong việc thu hút và tập hợp các nguồn lực cũng như khẳng định uy tín và vị thế của một trường Đại học nghiên cứu trong khu vực và quốc tế.

Xin cảm ơn Phó Giáo sư!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước