Tăng cường phân luồng học nghề sau THCS

ĐT Chính phủ-Thứ hai, ngày 27/01/2014 06:00 GMT+7

Phân luồng trong giáo dục, nhất là sau bậc trung học cơ sở, giúp học sinh có cơ hội lựa chọn đúng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, hoàn cảnh và đồng thời còn đáp ứng đúng nhu cầu nhân lực của xã hội.

PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết hằng năm ở Việt Nam có gần 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS nhưng có tới 90-95% học sinh vào học THPT và 5-10% vào học các cơ sở dạy nghề hoặc ra thị trường lao động làm các công việc giản đơn. Tương tự, hằng năm cũng có gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT trong đó có 80% học sinh (HS) tham gia thi đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN); 10% tham gia vào thị trường lao động và chỉ có 10% HS tham gia học nghề.

Điều đáng nói là chỉ có khoảng gần 60% HS tham gia thi đại học, cao đẳng, TCCN đỗ vào các trường theo nguyện vọng, số còn lại sẽ tiếp tục chờ để thi lại vào năm sau. Chính vì vậy, điều này không chỉ tiêu tốn thời gian, chi phí, nhân lực của từng cá nhân và xã hội mà còn làm cho cơ cấu nhân lực của nền kinh tế trở nên rất bất hợp lý và có xu hướng ngày càng mất cân đối về tỷ lệ giữa lao động có trình độ đại học với trung cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề.

Theo số liệu của Vụ Kế hoạch và tài chính (Bộ GD&ĐT) nếu như tỷ lệ HS tốt nghiệp PTTH năm 2001-2002 là 89,8% thì năm 2012-2013 tăng lên 97,5%. Mặt khác, sau khi tốt nghiệp PTTH hầu như 100% HS đều thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và điều này cũng đã tạo ra sức ép cho các đợt thi tuyển và đại học, cao đẳng của nước ta hiện nay.

TS Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP.HCM, cho rằng hướng nghiệp trước khóa học, tức là tìm hiểu nhu cầu, sở thích cá nhân người học để triển khai có hiệu quả công tác tư vấn định hướng cho phù hợp, là vô cùng quan trọng.

Muốn thực hiện được điều này, các tổ chức và người hướng nghiệp phải có đầy đủ thông tin về mục tiêu đào tạo các ngành nghề; tăng cường thông tin định hướng dư luận xã hội về học nghề, việc làm và mức thu nhập từ đó mới tư vấn hiệu quả cho HS định hướng chọn nghề phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của mình.

Ngoài ra, việc tăng cường thông tin về nhu cầu lao động kỹ thuật, công nghệ của mỗi ngành nghề và trong từng giai đoạn trước khi quyết định chọn nghề sẽ giúp HS hiểu rõ về công việc của mình định lựa chọn từ đó sẽ hiểu được định hướng tương lai của cuộc sống nghề nghiệp và năng lực thực sự của bản thân mình qua việc thu nhận thông tin.

Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Đắc Hưng, để thực hiện tốt công tác phân luồng trong thời gian tới cần phải có sự kết hợp đồng bộ giữa các ngành trong đó ngành Giáo dục và LĐ-TB&XH; đổi mới chính sách, cơ chế để hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề theo hướng Nhà nước cấp trực tiếp cho người học nghề nhằm tránh tình trạng cấp ngân sách cho những cơ sở đào tạo không đảm bảo chất lượng; chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là công nhân được đào tạo sau THCS.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước