Tranh luận về định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Theo VOV-Thứ ba, ngày 26/01/2016 06:40 GMT+7

Việc phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hay THPT đang có nhiều ý kiến khác nhau (ảnh minh họa. Nguồn: VOV)

VTV.vn - Việc phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hay THPT đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD-ĐT vừa trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét có điểm nổi bật đáng chú ý là học sinh từ cấp Tiểu học đến THCS phải bắt buộc theo học chương trình cơ bản với thời gian học tập 9 năm. Bước sang cấp THPT, học sinh sẽ được tự chọn học 1 trong 3 luồng: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu với thời gian học tập là 3 năm dựa theo sở thích, năng lực phù hợp.

Tuy nhiên, việc phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh lại khiến nhiều chuyên gia, nhà giáo băn khoăn, đóng góp ý kiến khác nhau.

Ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến như: CHLB Đức, Singapore cho học sinh học hết cấp Tiểu học và bắt đầu phân luồng từ cấp THCS. Học sinh học hết lớp 9 có thể tự chọn học nghề phù với năng khiếu, khả năng của các em.

Lấy ví dụ từ CHLB Đức và Singapore, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể định hướng nghề nghiệp cho học sinh khi tốt nghiệp THCS. Việc phân luồng định hướng nghề nghiệp không nhất thiết là học sinh phải bắt buộc tốt nghiệp THPT.

Hiện nay, chúng ta thấy rất rõ là hầu hết học sinh khi đã vào học và tốt nghiệp THPT đều đăng ký thi vào đại học, cao đẳng chứ không thích chọn trường nghề. Ngay cả nhiều phụ huynh cũng khuyên con của họ là đã tốt nghiệp THPT rồi thì thi tiếp hoặc xét tuyển lên đại học, chứ rất ít trường hợp chọn trường nghề phù hợp với năng khiếu, sở thích của con.

Nếu định hướng nghề nghiệp cho học sinh khi tốt nghiệp THCS thì sức ép vào đại học, cao đẳng sẽ giảm đáng kể. Còn nếu không phân luồng định hướng nghề sớm thì chất lượng đào tạo nghề và giáo dục đại học cũng chỉ như hiện nay, không có nhiều biến chuyển.

Đồng ý với việc phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sau khi tốt nghiệp THCS, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nêu quan điểm, để thuận lợi cho việc định hướng nghề nghiệp, sau khi học sinh học xong THCS, các trường có thể tổ chức cho các em tham gia làm các bài kiểm tra trình độ, năng khiếu.

Nếu học sinh nào có khả năng học tốt thì có thể tiếp tục học lên cấp THPT, còn những em nào có mức học trung bình thì có thể đăng ký tham gia vào học các trường nghề. Như vậy, hệ thống giáo dục THPT sẽ giảng dạy theo hướng đào tạo cơ bản và nghề nghiệp.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, việc phân luồng nghề nghiệp sớm sẽ giúp cho học sinh làm quen dần với từng loại nghề. Trong quá trình học tập, thực hành, tham quan, các em có thể biết được nghề nào phù hợp với mình và có thể phát triển trong tương lai. Còn hơn là để học sinh tốt nghiệp THPT là đua nhau thi vào đại học nhưng khi học lại cảm thấy ngành nghề không phù hợp với bản thân rồi lại phải thi đi thi lại, gây tốn kém cho gia đình và ảnh hưởng lớn tới tâm lý của các em.

Tránh gây xáo trộn, thay đổi đột ngột cho xã hội

Nếu phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ cấp THPT theo Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, chắc chắn các trường THPT sẽ có sự thay đổi đáng kể về hình thức giảng dạy và học tập cũng như bị tác động lớn từ việc phân loại mô hình đào tạo.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, Việt Nam nên học hỏi những kinh nghiệm hay, mô mình giáo dục tiên tiến nhất ở trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi nước có nền kinh tế, văn hóa, giáo dục khác nhau, không thể bê nguyên mô hình của nước họ để áp dụng vào Việt Nam mà chúng ta phải chắt lọc những cái tinh túy nhất để nghiên cứu áp dụng.

Chẳng hạn như ở các trường THPT của CHLB Đức, ngoài việc dạy các môn cơ bản bắt buộc thì từng trường lại đào tạo chuyên sâu về các định hướng. Nếu trường nào thiên về đào tạo năng khiếu sẽ được đầu tư rất lớn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cho các lĩnh vực âm nhạc, hội họa...

Còn trường nào thiên về kỹ thuật công nghệ thì sẽ được đầu tư thiết bị về khoa học vũ trụ, trái đất, thiết bị điện ứng dụng trong đời sống. Đây là mô hình rất hay nên Việt Nam có thể nghiên cứu học tập, áp dụng.

Ông Nguyễn Quốc Bình chỉ rõ, ở CHLB Đức, Singapore cho học sinh học hết cấp Tiểu học và bắt đầu phân luồng định hướng nghề nghiệp từ cấp THCS nhưng nếu áp dụng mô hình này ở nước ta thì e rằng, sẽ có sự xáo trộn, thay đổi đột ngột với xã hội. Vì lâu nay, người dân đã quen với việc đào tạo kiến thức cơ bản cho con em với thời gian bắt buộc là 9 năm. Đặc biệt, với điều kiện kinh tế của nước ta còn khó khăn và văn hóa coi trọng bằng cấp đã “ăn sâu bám rễ’ vào nhận thức của nhiều người nên việc định hướng nghề nghiệp từ cấp THCS là chưa thể thực hiện được.

Do đó, việc quy định học sinh phải bắt buộc học kiến thức cơ bản trong thời gian là 9 năm từ cấp Tiểu học đến THCS là hoàn toàn phù hợp với xu thế giáo dục chung của nhiều nước trên thế giới. Khi đó, học sinh mới có đủ những kiến thức nhất định để xác định học học nghề hay tiếp tục học lên cao hơn.

Ông Phạm Đức Doanh, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, Hà Nội đồng ý với việc phân luồng học sinh theo các định hướng nghề nghiệp từ cấp THPT vì chúng ta không thể cào bằng năng lực của học sinh giỏi với học sinh trung bình.

Nếu em nào có năng lực thì có thể học lên tiếp, còn em nào mức học chỉ ở dạng trung bình nhưng có năng khiếu về nghề nghiệp thì nên để các em chọn lựa nghề nghiệp phù hợp với khả năng. Xã hội nên có quan niệm là một người học bình thường nhưng giỏi nghề và có thể trở thành “bàn tay vàng” sẽ rất tốt, còn hơn là cử nhân học xong nhưng kiến thức lại yếu kém, chẳng thể tìm được việc làm.

Tuy nhiên, nếu phân luồng học sinh ở cấp THPT thì Bộ GD-ĐT nên quy định, phân loại từng loại trường theo định hướng nào, chứ không nên để một trường phải dạy cả 3 luồng: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu.

Hiện nay, chúng ta đang gặp phải một số bất cập là các trường dạy nghề nhưng chưa chú trọng đến thực hành cho học viên. Nhiều cơ sở đào tạo nghề rất cần có phân xưởng, máy móc, nguyên vật liệu để cho học viên thực hành nhưng lại không có hoặc được đầu tư nhưng còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ. Vì thế, nhiều người tốt nghiệp không biết làm hoặc tay nghề còn rất nhiều hạn chế.

Nếu thực hiện việc phân luồng học sinh từ cấp THPT thì liệu rằng, các trường có được ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất để dạy nghề không? Khi đào tạo học sinh theo các định hướng nghề nghiệp thì liệu rằng sau này thị trường lao động có tuyển dụng các em không hay chỉ chọn những người tốt nghiệp đại học. Đây là bài toán mà ngành Giáo dục phải suy nghĩ khi phân luồng định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ cấp THPT.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước