Vì sao hàng nghìn thí sinh không nhập học đại học?

Theo VOV-Thứ hai, ngày 21/08/2017 05:00 GMT+7

Nhiều trường "sốc" vì thiếu quá nhiều chỉ tiêu và điều này nằm ngoài dự kiến của trường trong mùa tuyển sinh năm nay. (Ảnh: VOV)

VTV.vn - Chúng ta cần nâng cao chất lượng khâu định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc phổ thông.

Sau đợt xét tuyển đại học lần 1, điều bất ngờ đã xảy ra khi có hơn 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Nhiều trường đại học top đầu cũng phải gọi thí sinh có nguyện vọng, vì thiếu chỉ tiêu. Thí sinh đã không còn tâm lý bằng mọi giá vào đại học hay còn nguyên nhân khác?

"Sốc" vì thiếu chỉ tiêu

Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) 1, nhiều trường đại học bất ngờ vì tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học thấp hơn nhiều so với dự kiến. Cụ thể, chỉ có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia là 352.000. Như vậy, con số 110.000 thí sinh được xác định trúng tuyển đã không đến nhập học.

Nhiều trường "sốc" vì thiếu quá nhiều chỉ tiêu và điều này nằm ngoài dự kiến của trường trong mùa tuyển sinh năm nay, khi mà Bộ GD-ĐT khẳng định phần mềm lọc ảo đã hoạt động rất tốt.

Lý giải tình trạng trên, không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do những quy định mới về nguyện vọng và phần mềm lọc ảo của Bộ GD-ĐT còn rất hạn chế. Một thành viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phân tích: Mùa tuyển sinh năm nay xảy ra tình trạng trên là có nhiều lý do.

Thứ nhất, Bộ GD-ĐT chưa làm rõ việc thí sinh cần phải lựa chọn NV như thế nào, mà các em chọn theo kiểu cảm tính nên thay đổi NV cũng dễ dàng.

Thứ hai, phần mềm lọc ảo của Bộ GD-ĐT để loại ảo làm không triệt để. Đáng lẽ thí sinh phải chấp hành theo trật tự NV mình đã chọn, quy định không chặt chẽ nên thí sinh phá luật chơi quá dễ dàng. Bộ khẳng định là tôn trọng NV thí sinh và phần mềm sẽ lọc ảo tốt, nhưng thực ra là đã phá nguyên tắc, làm theo kiểu ngẫu hứng. Và hậu quả là, phầm mềm không có giá trị để lọc ảo, khiến các trường vẫn bị ảo nhiều...

Ở góc độ khác, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta không thể kiểm soát và nhận biết dòng chảy thí sinh khi phần mềm lọc ảo chỉ gói gọn cho các trường đại học và cao đẳng sư phạm.

"Học sinh mấy năm nay không phải cố vào đại học bằng mọi giá và cũng dần ý thức việc lựa chọn học tại các trường cao đẳng"- ông Dũng nhấn mạnh.

Nhiều trường dự kiến ban đầu đã tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng không phải tất cả thí sinh trúng tuyển đều xác nhận nhập học. Trường Đại học Thủy lợi cũng tuyển bổ sung gần 1.000 sinh viên cho các mã ngành đào tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Thủy lợi, số thí sinh nhập học năm nay chỉ đạt khoảng 78%, thấp hơn năm trước 17%. Rất nhiều em đỗ từ NV 3 trở đi đã không nhập học. Chính việc Bộ GD-ĐT không giới hạn NV đăng ký xét tuyển của thí sinh cũng là nhược điểm. Tương tự, Đại học Xây dựng còn thiếu khoảng 300 sinh viên mới đủ chỉ tiêu. Bởi vậy, nhiều trường top dưới theo đó đã thiếu chỉ tiêu nhập học, có trường chỉ đạt 18% và phải tuyển bổ sung.

Đào tạo không gắn với thị trường là "tự sát"

Theo ông Nguyễn Đình Thi, Trưởng phòng đào tạo Đại học Xây dựng, nhà trường đã gọi điện đến từng em để hỏi nguyên nhân thì phần lớn các em trả lời đã đăng ký học cao đẳng, các ngành: dược, công an, quân đội. Và, cũng lý do như các trường trên, các em đăng ký theo sự... khuyến khích của trường THPT.

Còn theo ông Phạm Quang Dũng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, việc thí sinh trúng tuyển mà không nhập học chủ yếu do nhu cầu của thí sinh. Các em không tha thiết với NV đăng ký ban đầu thì sẽ không đến học. Điều này các trường rất khó can thiệp, kể cả việc gọi điện cho thí sinh đến nhập học nhưng có thể chỉ sau một năm thí sinh lại bỏ học vì đó không phải là trường/ngành mà các em yêu thích.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT thì, khâu hướng nghiệp của ta hiện nay vẫn kém. Các em chọn  NV chủ yếu theo cảm tính chứ không dựa trên thực tế, thậm chí thiếu thông tin về ngành học mình đã chọn. Ở nước ngoài khâu hướng nghiệp của họ rất tốt, phải có nhà tư vấn cho từng em một chứ ở mình chỉ hướng nghiệp kiểu chung chung.

Bản thân các trường đại học cũng giấu giếm, không công bố thật số sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm. Vì thế theo ông Lê Viết Khuyến, Bộ GD-ĐT nên yêu cầu các trường công khai minh bạch từ chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm để các em có quyết định đúng đắn, tránh nhầm lẫn.

Trước những lo lắng về việc khi các trường thiếu thí sinh sẽ "vơ bèo, vạt tép", chấp nhận lấy cả những thí sinh điểm thấp, nhiều ý kiến đề nghị, Bộ GD-ĐT cần siết chặt hơn việc đăng ký NV trong các năm tiếp theo; cần phải có những giải pháp mang tính kỹ thuật để tiến hành sàng lọc thí sinh ngay từ ban đầu khi thí sinh đăng ký dự thi; tránh hiện tượng thí sinh ảo lớn.

Công tác thông tin trong tuyển sinh cần thực hiện rộng rãi hơn cùng với việc làm tốt công tác hướng nghiệp từ phổ thông. Bởi thực tế, trong các ngày hội tuyển sinh, phần lớn các em đều không hiểu rõ ngành mình đăng ký có đặc thù ra sao, ra trường sẽ làm gì? Vậy nên, xảy ra hiện tượng cả nghìn em từ chối cơ hội NV1 ở những trường hàng đầu cũng là điều dễ hiểu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!  

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước