Chuyên mục

Thành công hay thất bại của việc áp dụng Basel II đang phụ thuộc vào 3 ngân hàng

Tùng Lâm - 17/06/2017 - 09:00 - Tiêu dùng

VTV.vn - Với lộ trình áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng lớn từ tháng 9/2017, trọng tâm ngành trong năm nay sẽ xoay quanh kế hoạch này.

Theo báo cáo ngành ngân hàng 2017 của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), 10 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, VIB, MaritimeBank, Sacombank, MB, ACB và Techcombank) đang đẩy nhanh quá trình chuẩn bị thí điểm Basel II nhưng vấn đề tăng vốn gặp nhiều khó khăn.

Thời hạn áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm đang đến gần - ngày 1/9/2017 theo Dự thảo Thông tư gần nhất. Theo đó, nhu cầu tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR là rất cấp bách.

Trong số 10 ngân hàng tham gia thí điểm, VCBS nhận định rằng nhóm TMCP tư nhân có khả năng đáp ứng tốt hơn do đã có hệ số CAR cao đáng kể so với mức quy định, như ACB, VIB, Techcombank... Trong khi đó, nhóm TMCP nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank sẽ chịu áp lực tăng vốn lớn.

Thành công hay thất bại của việc áp dụng tiêu chuẩn mới, theo VCBS, cũng phụ thuộc chủ yếu vào 3 ngân hàng này. Trong đó, VCB có nhiều dư địa hơn do có khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn (phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đối tác nước ngoài, tăng vốn cấp 2). Mặc dù vậy, quá trình bán vốn nước ngoài đang kéo dài do không thỏa thuận được mức giá. Trong khi đó, 2 ngân hàng BID và CTG có hệ số CAR đã ở sát ngưỡng quy định (9%) và càng chịu áp lực giảm CAR khi phải trả cổ tức theo đề xuất của Bộ Tài chính. CTG đã chạm trần sở hữu để huy động vốn nước ngoài, trong khi BID không còn dư địa để tăng vốn cấp 2.

Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng vẫn đang áp dụng biện pháp ngắn hạn là tăng vốn cấp 2 bằng phát hành trái phiếu. Biện pháp này chỉ giúp các ngân hàng giải quyết tình thế trong 1-2 năm và khiến chi phí vốn tại các ngân hàng phát hành chịu áp lực tăng, do lãi suất trái phiếu cao hơn 1-2% lãi suất huy động thông thường.

VCBS cho rằng, việc tuân thủ lộ trình áp dụng Hiệp ước vốn Basel II theo dự thảo của NHNN là thử thách cho các ngân hàng thí điểm (đặc biệt 3 NHTMNN) nếu không có các biện pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Áp lực từ việc tuân thủ Basel II có thể làm tăng chi phí vốn và hạn chế tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng này trong năm 2017.

Thành công hay thất bại của việc áp dụng Basel II đang phụ thuộc vào 3 ngân hàng - Ảnh 1.

Thành công hay thất bại của việc áp dụng Basel II đang phụ thuộc vào 3 ngân hàng - Ảnh 2.

Trong kịch bản "tối thiểu nhất", cả 3 ngân hàng chỉ tăng vốn vừa đủ để tuân thủ mức tối thiểu khi áp dụng Basel II (8%) thì tổng số vốn của 3 ngân hàng này cần huy động là 25.393 tỷ (khoảng 70% vốn điều lệ của Vietcombank hiện tại). Rõ ràng, áp lực tăng vốn là rất lớn.

Diễn biến ngành năm 2016 cho thấy tăng vốn cấp 1 là không dễ dàng do nguồn lực trong nước hạn chế; huy động vốn nước ngoài gặp khó khăn do trần sở hữu nước ngoài (đối với VietinBank) và kỳ vọng lớn từ giá bán của cơ quan quản lý (Vietcombank).

Trong khi đó, tăng vốn cấp 2 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn như: BIDV đã vượt mức trần cho phép và không có dư địa để tăng thêm; Theo Dự thảo thông tư về áp dụng thí điểm Basel II, vốn đầu tư vào trái phiếu cấp 2 của ngân hàng khác sẽ bị loại khi tính vốn tự có. Trong khi đó, thống kê sơ bộ cho thấy gần 50% lượng trái phiếu cấp 2 phát hành được mua bởi các ngân hàng. Do đó, với quy định mới này, việc phát hành trái phiếu cho các định chế có thể gặp khó khăn hơn, có thể khiến cạnh tranh huy động vốn bằng trái phiếu ngày càng cao và từ đó gây áp lực lên chi phí vốn.

Với việc phải áp dụng Basel II, VCBS cho rằng, do việc tăng vốn gặp nhiều trở ngại, không loại trừ khả năng trường hợp các ngân hàng hạn chế tín dụng để duy trì hệ số CAR, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận toàn ngành.

Ngoài ra, việc tuân thủ được đúng thời hạn NHNN đề ra là tháng 9/2017 sẽ rất thử thách các ngân hàng thí điểm, đặc biệt nhóm 3 NHTMNN, nếu không có các biện pháp hỗ trợ thêm từ cơ quan quản lý. Các biện pháp này có thể là giãn thời gian áp dụng; hê duyệt giá bán của Vietcombank phù hợp với mức giá phía đối tác mua đưa ra; hoặc nâng trần sở hữu nước ngoài để thu hút nguồn vốn mới…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Tùng Lâm

Cùng chuyên mục

XEM

Hoá đơn tiền điện tại Hà Nội tăng vọt do đâu?

VTV.vn - Theo Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, việc tăng giá điện là do đang thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ, chuyển từ đầu tháng sang cuối tháng.

"Trạm tái sinh Aquafina" biến chai nhựa trở nên có ích hơn

VTV.vn - Dự án công nghệ "Trạm tái sinh Aquafina" được ra đời với mục tiêu biến những chai nhựa đã qua sử dụng trở nên có ích hơn với cuộc sống.