Nơi khám phá nét đặc trưng đám cưới Việt

VCTV-Chủ nhật, ngày 14/11/2010 13:00 GMT+7

Từ thuở xa xưa cho đến ngày nay, trong cuộc sống, đám cưới chính là biểu hiện của nếp sống xã hội, đám cưới là khẳng định sự trưởng thành của đôi uyên ương nam nữ và là kết quả của một tình yêu lứa đôi.

Trong cuộc sống hiện đại, đám cưới đã có nhiều cách tân nhưng về cơ bản vẫn giữ được những nét truyền thống và nghi thức của dân tộc. Để cô dâu và chú rể bớt bối rối trong ngày trọng đại của mình chương trình “Cẩm nang mùa cưới” đã ra đời và sẽ trở thành người bạn đồng hành với các cặp đôi uyên ương.

Phong tục chọn ngày, kén giờ
Do bản năng sinh tồn cần phải duy trì và phát triển nòi giống, tâm lý chung của xã hội loài người là “tìm điều lành, tránh điều dữ”, xuất phát từ tâm lý đó mà thuật kén ngày lành dữ đã ra đời. Ngày lành là ngày có nhiều sao cát tinh như sao Thiên Đức, Nguyệt Đức, Thiên Ân, Thiên Hỷ... Ngày nào có nhiều sao hung tinh như sao Trùng tang, Trùng phục, Thiên hình, Nguyệt phá thì là ngày xấu. Nếu biết được ngày sinh tháng đẻ của người xem thì có thể tính ra được các ngày tốt xấu của người đó. Để chuẩn bị cho đám cưới cần phải xem ngày dạm ngõ, ngày ăn hỏi và ngày cưới.
Theo phong tục Việt Nam, lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông, nghĩa là xem ngày cưới phải tính ngày đẹp theo ngày sinh tháng đẻ của người vợ. Thông thường ngày dạm ngõ (ngày hai bên gia đình gặp nhau để bàn bạc chọn ngày) là ngày đẹp trong tháng, đẹp cho việc xuất hành. Ngày ăn hỏi và ngày cưới thường là phải ngày đep hợp tuổi của cô dâu. Để chọn ngày cưới thường do nhà trai đi xem ngày, sau đó đôi bên thống nhất bàn bạc để thống nhất ngày tổ chức.
Dạm ngõ, ăn hỏi, đám cưới
Dạm ngõ là lễ tiếp xúc chính thức đầu tiên và là thủ tục không thể thiếu của hai gia đình nhà trai và nhà gái. Sau lễ dạm ngõ, người con gái được coi là có nơi có chốn, bước đầu để tiến tới chuyện hôn nhân.
Sau lễ dạm ngõ là lễ ăn hỏi, dù là tầng lớp nào cũng không thể thiếu được cơi trầu. Một lễ ăn hỏi của người Hà Nội thì không thể thiếu cốm và hồng. Đồ lễ ăn hỏi gắn liền với đặc sản của vùng đất Hà Thành gồm có bánh cốm, bánh xu xê, mứt sen, chè, rượu, trầu cau, thuốc lá...Đám cưới bắt đầu xuất hiện thiệp báo hỷ, khi đưa thiệp mời cưới phải đưa kèm theo chè và hạt sen. Trong khi đón dâu cô dâu, chú rể phải làm lễ gia tiên, lễ này như một sự tưởng nhớ đến cội nguồn tổ tiên. Sau lễ thành hôn, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên gọi là lễ lại mặt. Từ sau lễ lại mặt, bố mẹ cô dâu mới chính thức đến nhà thông gia vì trong lễ cưới mẹ cô dâu không đi đưa dâu. Lễ lại mặt thường tiến hành vào thứ 2 hoặc thứ 4 sau lễ cưới gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ.
Khán giả đón xem và cùng khám phá những nét đặc trưng trong đám cưới cổ truyền Việt Nam qua chương trình “Cẩm nang cưới” được phát sóng trên kênh StyleTV – VCTV12 vào 11h35 chủ nhật hàng tuần.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước